Quảng Ninh chấn chỉnh thanh toán bằng máy POS của nước ngoài
Cập nhật: 23/01/2020
1.600 con heo chết cháy ở Gia Lai, thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
VOV.VN - Việc thanh toán chui qua POS có thể gây thất thoát thu thuế, vi phạm quy định quản lý ngoại hối và ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng một số cửa hàng bán hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn TP Hạ Long có hiện tượng vi phạm quy định trong sử dụng hình thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là thanh toán bằng ngoại tệ, sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ (POS) của nước ngoài, sử dụng các ứng dụng như AliPay, WeChat Pay.. UBND Thành phố Hạ Long, (tỉnh Quảng Ninh) đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu chấn chỉnh, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, làm rõ sự việc.
Công văn hỏa tốc của thành phố Hạ Long nêu rõ: Thời gian vừa qua UBND thành phố Hạ Long đã chủ động thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành. Đến nay, hoạt động lữ hành, kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố đã đi vào ổn định.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên VOV về hoạt động tại các điểm mua sắm trang sức Hoa Sen (Công ty TNHH đầu tư thương mại du lịch Như Ý) trụ sở tại số 9, đường Hạ Long, phường Bãi Cháy; Công ty TNHH Hương Đường Thăng Long (Tầng 2, Zone 7B, Trung tâm thương mại Hạ Long Marine Plaza, phường Hùng Thắng) có dấu hiệu "vô tư", "ngang nhiên" thanh toán bằng ngoại tệ, máy POS của nước ngoài và thanh toán qua các ứng dụng Ali Pay, Wechat Pay.
Các POS của nước ngoài tại điểm mua sắm Hoàng Quan (phường Hà Khẩu). |
Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô từ 38 chỗ đến 45 chỗ ùn ùn đưa khách Trung Quốc đến mua sắm, thanh toán trực tiếp bằng các hình thức nêu trên. Những giao dịch loại này được thực hiện bằng máy POS đưa trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, khách du lịch mua bán hàng hóa bằng ngoại tệ ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam.
Điều đáng nói là khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua bán bằng thẻ nội địa Trung Quốc, máy POS đưa chui vào Việt Nam kết nối internet về hệ thống thanh toán Trung Quốc như ứng dụng AliPay, WeChat Pay chứ không phải bằng thẻ thanh toán quốc tế.
Việc thanh toán dưới những hình thức bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam diễn ra công khai với quy mô lớn mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Hệ lụy của việc thanh toán chui qua POS có thể thấy rõ sẽ gây thất thoát thu thuế, vi phạm quy định quản lý ngoại hối và ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Ngoài việc mua sắm “Ngọc phỉ thúy”, tại điểm mua sắm Hoa Sen, những “thượng khách” đi “tour 0 đồng” khi đến Quảng Ninh còn phải đến những điểm khác như bán đệm cao su thiên nhiên tại Công ty TNHH Hương đường Thăng Long (trụ sở tại Tầng 2 Zone 7B Trung tâm thương mại Hạ Long Marine Plaza, Phường Hùng Thắng, Thành phố Hạ Long); Cao su trầm hương Hoàng Quan (Tổ 95, Khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long); Trung tâm mua sắm và trưng bày sản phẩm Trầm Hương Quế Phúc (Tầng 1, tòa nhà NewLife, đường Hoàng Quốc Việt, phường Bãi Cháy), Trung tâm mua sắm Ninh Đạt Khang, Trầm Cổ Vận (Tuần Châu)…Và tất nhiên, những hoạt động mua sắm này cũng diễn ra lúc tờ mờ sáng.
Để quản lý tốt hoạt động của các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hạ Long, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trong sạch, văn minh, thân thiện, UBND Thành phố Hạ Long chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 5 chủ trì với các đơn vị liên ngành, kiểm tra cá nhân, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố về tình trạng sử dụng hình thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ sai quy định, xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động nếu phát hiện vi phạm./.
Hiện hữu mối lo “chảy máu” ngoại tệ
Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, ngoại tệ, máy pos, kiểm soát thanh toán, chảy máu ngoại tệ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN