Quan hệ Việt Nam - Thái Lan cần được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực
Cập nhật: 17/11/2022
VOV.VN - Theo Tiến sĩ Balazs Szanto, Việt Nam, Thái Lan hay bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác sẽ không thể đạt được sự thịnh vượng nếu các quốc gia láng giềng gặp khó khăn. Tính phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế - thương mại buộc các quốc gia phải tăng cường hợp tác để cùng nhau phục hồi.
Nằm trong dòng chảy hợp tác ASEAN, quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan cần được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực, vì mục tiêu phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho nhân dân hai nước mà còn cho cả khu vực. Nhận định này được Tiến sỹ Balazs Szanto, giảng viên khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Chulalongkorn đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV trước thềm chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 16-19/11.
PV: Ông nghĩ thế nào về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Thái Lan cho Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới cũng như vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong năm APEC 2022?
Tiến sĩ Balazs Szanto: Nhìn vào cách Thái Lan chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2022, có thể thấy Thái Lan đặt nhiều kỳ vọng khi là chủ nhà của sự kiện quan trọng này. Thái Lan mong muốn ghi dấu ấn, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của nước này trong khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, cương vị nước chủ nhà APEC giúp Thái Lan có cơ hội tốt để lồng ghép thúc đẩy thảo luận những vấn đề mà nước này có lợi ích.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, trong nhiều tháng qua Thái Lan đã tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để đảm bảo tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC thành công. Trong đó, Chính phủ Thái Lan đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện cũng như các đoàn đại biểu tham dự. Để tạo sự thông thoáng, an ninh, an toàn, Chính phủ Thái Lan tuyên bố 3 ngày nghỉ lễ đặc biệt đối với công chức làm việc ở thủ đô Bangkok trong thời gian diễn ra sự kiện.
PV: Theo ông, những nội dung nghị sự chính sẽ được đưa ra thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC là gì? Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay diễn biến tương đối phức tạp, hợp tác APEC sẽ có vai trò như thế nào trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19?
Tiến sĩ Balazs Szanto: Nếu xem xét tình hình thế giới trong bối cảnh hiện nay, kinh tế là vấn đề được tất cả mọi người quan tâm. Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới cả khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới. Chưa kịp lấy lại đà phục hồi sau đại dịch COVID-19, thế giới lại đối mặt với nhiều thách thức khác, trong đó xung đột Nga-Ukraine gây ra nhiều hệ lụy như cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, gây ra những trở ngại lớn cho quá trình phục hồi.
Một thực tế đáng quan ngại khác đó là nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang trong bờ vực của suy thoái. Đây là tín hiệu xấu đối với các quốc gia Đông Nam Á, vốn phụ thuộc lớn vào thương mại với các nền kinh tế lớn đó. Thậm chí, mặc dù các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan không trực tiếp liên quan các sự kiện ở châu Âu, song việc châu Âu đang phải đối mặt với những khó khăn cũng sẽ gây ra những hệ lụy đối với Thái Lan về thương mại và du lịch, những động lực quan trọng đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế của xứ sở “Chùa Vàng”.
Do đó, tôi cho rằng chủ đề chính sẽ được tất cả các nền kinh tế thành viên quan tâm thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này sẽ là vấn đề kinh tế và làm thế nào để giải quyết những khó khăn, thách thức kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư, đưa kinh tế khu vực APEC và thế giới phát triển trở lại đúng hướng.
Ngoài ra, tôi cho rằng Mỹ đang quan tâm việc quay trở lại khu vực thông qua việc thúc đẩy hình thành khu vực kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực củng cố nền kinh tế của nước này. Điều này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các quốc gia Đông Nam Á tranh thủ, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư. Các thỏa thuận hợp tác, dù là đạt được trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao hay bên lề sẽ tạo động lực giúp các nền kinh tế thành viên APEC vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng lạm phát gia tăng, để từng bước phục hồi kinh tế, ngăn chặn nguy cơ suy thoái.
PV: Ông nhận xét như thế nào về quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC. Hai nước có thể làm gì để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác này?
Tiến sĩ Balazs Szanto: Tôi cho rằng rằng hợp tác ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với khu vực. Các quốc gia ASEAN chắc chắn đều nhận ra rằng, do nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, các quốc gia này rất dễ bị tổn thương và bị tác động tiêu cực bởi các yếu tố địa chính trị xảy ra ở rất xa khu vực này.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam, Thái Lan nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung, khi họ phải tìm kiếm phương thức để làm sâu sắc thêm sự hợp tác kinh tế bởi suy cho cùng, tất cả các quốc gia đều đang ở trên cùng “con thuyền” phục hồi kinh tế.
Theo tôi, phương thức phục hồi đáng tin cậy nhất cho khu vực là thúc đẩy hơn nữa hợp tác và thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN có một thị trường nội khối mạnh mẽ, cho phép các quốc gia trong khối tự bảo vệ mình ở một mức độ nhất định trước các xu thế địa chính trị. Và về cơ bản, nếu chúng ta nhìn vào khu vực Đông Nam Á, vận mệnh của tất cả các quốc gia đều gắn kết với nhau”.
Việt Nam, Thái Lan hay bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác sẽ không thể đạt được sự thịnh vượng nếu các quốc gia láng giềng gặp khó khăn. Tính phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế - thương mại buộc các quốc gia phải tăng cường hợp tác để cùng nhau phục hồi. Các quốc gia ASEAN có quy mô lớn về dân số hoặc kinh tế như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore... cần giữ vai trò dẫn dắt trong việc tạo ra các thỏa thuận cần thiết để làm sâu sắc hơn sự hợp tác về thương mại trong ASEAN. Chỉ có hợp tác mới có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho các quốc gia trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Từ khóa: Việt Nam- Thái Lan, Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan, Theo Tiến sĩ Balazs Szanto
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN