Quan hệ Việt Nam-EU: 30 năm và những bước tiến dài hạn
Cập nhật: 12/01/2021
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Xuyên suốt chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước tiến dài hạn, trên cơ sở những tầm nhìn chiến lược sâu sắc nhằm nâng cao tầm vóc quan hệ đối tác.
Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên minh Châu Âu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có bài viết về “Những bước phát triển toàn diện trong quan hệ Việt Nam-EU và triển vọng trong thời gian tới”.
“Nhìn lại chặng đường 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) (28/11/1990 - 28/11/2020), chúng ta có thể thấy những bước phát triển nhanh chóng vượt bậc của quan hệ giữa hai bên. Từ một mối quan hệ mang tính hợp tác theo một số lĩnh vực, hai bên ngày nay đã tiến tới mối quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) khi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh chính thức ký Hiệp định hợp tác khung mới tại Brúc-xen (Bỉ) năm 2012 thay thế Hiệp định khung về Hợp tác ký năm 1995.
Các bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam và EU khẳng định tinh thần đối tác tin cậy, hữu nghị và cùng chia sẻ tầm nhìn lâu dài của hai bên trong việc nâng cao quan hệ song phương cũng như nỗ lực đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới. Nhân sự kiện lớn này, Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lãnh đạo Hội đồng, Ủy ban, Nghị viện Châu Âu và Đại diện Cấp cao EU về chính sách đối ngoại đã trao đổi thư chúc mừng, khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – EU trong chính sách đối ngoại của hai bên.
Trao đổi giữa hai bên trong năm kỷ niệm mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn diễn ra rất phong phú. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von de Leyen ngày 29/7/2020 nhằm trao đổi về hợp tác song phương, trong đó có phối hợp triển khai hiệu quả EVFTA sau khi có hiệu lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã điện đàm với Cao ủy Thương mại EU tháng 5 và tháng 6/2020. Phó Chủ tịch EC/Đại diện Cấp cao EU về chính sách An ninh và Đối ngoại đã có bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU tháng 9/2020. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã có bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Đầu tư ASEAN 2020, trong đó nêu đậm việc tăng cường chủ nghĩa đa phương thông qua việc xây dựng ASEAN vững mạnh và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN đã trở thành hiện thực từ đầu tháng 12/2020.
Có thể nói, mối quan hệ hai bên đạt được như ngày hôm nay là kết quả của một sự chuyển biến năng động trong hợp tác hai bên từ các lĩnh vực truyền thống như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác như khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, nông lâm ngư nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như trong nhiều khuôn khổ đa phương quan trọng, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng của hợp tác Việt Nam – EU. Đối với Việt Nam, EU là một trong những đối tác hàng đầu, mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng trên trường quốc tế, trong các vấn đề an ninh, hòa bình cũng như kinh tế và phát triển. Về phần mình, với tiềm lực và vị thế ngày càng tăng sau 35 năm Đổi mới và hội nhập, Việt Nam là đối tác mạnh mẽ của EU trong ASEAN và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và là một trong những đối tác EU có quan hệ toàn diện nhất ở khu vực.
Một trong những minh chứng cho những nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đặc trưng và sinh động giữa hai bên, thể hiện dấu ấn và ý chí chính trị mạnh mẽ, là trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa hai bên. Trong thời gian gần đây là chuyến thăm cấp cao tới EU của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2018 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2019. Nhiều Lãnh đạo Hội đồng, Ủy ban và Nghị viện EU cũng đã lần lượt thăm Việt Nam như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi năm 2012, Chủ tịch EC Hô-sê Ma-nu-en Ba-rô-sô năm 2014 và Phó Chủ tịch EC/Đại diện Cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Federica Mogherini năm 2019.
Trong năm 2020, mặc dù phải tập trung ứng phó với khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, hai bên duy trì thực hiện cam kết và triển khai các trao đổi hợp tác thông qua cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hai bên phối hợp chặt chẽ trên rất nhiều lĩnh vực để phát huy những thành quả quan trọng của hợp tác sâu rộng thời gian qua, đồng thời tích cực hỗ trợ nhau về trang thiết bị phòng chống Covid-19 và EU viện trợ cho các tỉnh miền Trung ở Việt Nam chịu lũ lụt thiên tai trong tháng 10 vừa qua.
Sự kiện quan trọng, đặt dấu mốc lịch sử mới nhất trong quan hệ hai bên chính là việc ký kết, phê chuẩn và chính thức có hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) từ ngày 01/8/2020 với phạm vi cam kết sâu rộng, tạo thêm nhiều đột phá, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam và EU. Đây cũng là nỗ lực chung của hai bên thúc đẩy xu thế tổng thể về liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững. Chỉ sau 5 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên đã rất khởi sắc, nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Việt Nam tăng cao như thủy hải sản, gạo, dệt may, da giầy…EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, nhà đầu tư lớn tại Việt Nam và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam. EVFTA mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng với gần 450 triệu dân và quy mô khoảng 18 nghìn tỷ USD, giúp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường Châu Âu, tận dụng những cơ hội mới bên cạnh những lợi thế có được nhờ đất nước đã xử lý tốt đại dịch, duy trì được tỷ lệ tăng trưởng dương rất khả quan, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA đã góp phần quan trọng để hai bên thúc đẩy phục hồi kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm do tác động của COVID-19.
Cùng với trụ cột kinh tế - thương mại là trọng tâm trong mối quan hệ Việt Nam – EU, nhiều lĩnh vực hợp tác khác cũng ghi những dấu ấn quan trọng trong thời gian qua. Việc ký Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VGA/FLEGT) là những thành quả hết sức ý nghĩa, mở ra triển vọng tăng cường hợp tác đa dạng và toàn diện hơn nữa của quan hệ Việt Nam – EU. Hai bên đã tổ chức thành công các cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về triển khai PCA lần thứ nhất vào tháng 5/2019 và lần thứ hai theo hình thức trực tuyến vào tháng 12/2020, thúc đẩy thực thi hiệu quả các cam kết, đóng góp vào việc cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.
Hợp tác đa phương được hai bên chú trọng, trong đó sự gắn kết chặt chẽ giữa ASEAN và EU ngày càng được đẩy mạnh. EU có lợi ích lớn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 40% tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu của EU là với Châu Á. Với việc thông qua “Chiến lược toàn cầu” (2016), “Chiến lược kết nối Á –Âu” (2018), EU và các nước thành viên thể hiện một tầm nhìn chiến lược tại khu vực. Việt Nam và ASEAN theo đuổi một sự hợp tác tin cậy, mong muốn EU đóng vai trò tích cực và xây dựng tại khu vực, vì hòa bình, thịnh vượng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và thượng tôn pháp luật. Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU AMM-23 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần thứ 7 trong tháng 12/2020 đã tiếp tục khẳng định sự thống nhất của các bên, thông qua Tuyên bố chung về Kết nối ASEAN-EU và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU, mà trong đó Việt Nam đã có tiếng nói và đóng góp quan trọng với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020.
Năm 2020 khép lại với những trọng trách đầy thử thách, nhưng cũng đáng tự hào mà Việt Nam đã vượt qua, tỏa sáng và khẳng định vai trò, vị thế trong việc đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). EU với tư cách là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu và quan trọng hàng đầu thế giới, có tiếng nói tại Liên Hợp Quốc và trên trường quốc tế, đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, toàn diện với ASEAN và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, ngày càng thể hiện lập trường, quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ trong vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải, trật tự luật pháp, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Xuyên suốt chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước tiến dài hạn, trên cơ sở những tầm nhìn chiến lược sâu sắc nhằm nâng cao tầm vóc quan hệ đối tác. Từ những viên gạch đầu tiên để đặt nền móng quan hệ, đến nay mối quan hệ này đã được vun đắp với những nền tảng bền vững, sâu rộng, hứa hẹn đem lại động lực lan tỏa trong năm 2021 và nhiều năm tiếp theo”./.
Từ khóa: Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam EU, EVFTA, CPTTP
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN