Quân đội Israel cải tiến sáng tạo xe tăng cũ kỹ để đánh bại đối phương
Cập nhật: 25/09/2019
Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay để kiều bào gánh vác việc nước (22/1/2025)
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
VOV.VN - Giai đoạn đầu khó khăn, vì sự sinh tồn của Israel, quân đội nước này buộc phải cải tiến và dùng nhiều loại vũ khí cũ kỹ, trong đó có xe tăng Sherman.
Ngay từ khi ra đời, quân đội Israel đã buộc phải vận dụng sự sáng tạo của bản thân để xoay sở tự vũ trang cho mình. Trong thời kỳ đầu mới hình thành, quốc gia Israel nhỏ xíu bị bao vây bởi muôn trùng kẻ thù. Israel thấy các loại vũ khí mới vừa ít ỏi vừa khó kiếm dù họ rất cần trong lúc đó. Hoàn cảnh buộc Israel phải tận dụng mọi vũ khí họ có thể lấy được từ rất nhiều nguồn đặc biệt.
Một khi tậu được các vũ khí cũ kỹ này, Israel thường phải “độ” lại để bảo đảm vũ khí đó vẫn hiệu quả. Nhiều vũ khí vốn bị xem là cổ lỗ sĩ trên chiến trường châu Âu đã được người Israel chỉnh sửa để có thể hoạt động ổn. Israel khi ấy không có sự lựa chọn nào khác, thất bại đồng nghĩa với việc nhà nước của họ bị xóa sổ.
“Độ lại” xe tăng Sherman để tung vào cuộc chiến
Một ví dụ điển hình về sự sáng tạo của Israel là việc sử dụng trong thời gian dài xe tăng M4 Sherman do Mỹ chế tạo. Chiến xa này thường bị đánh giá là dưới cơ các xe tăng Đức Quốc xã do lớp giáp tương đối mỏng và hỏa lực tương đối kém. Nhưng bù lại, Sherman có độ in cậy và có khả năng chỉnh sửa, cải tiến. Chính nhờ đặc điểm cuối này mà Israel có thể sử dụng xe tăng Sherman cực kỳ hiệu quả trên chiến trường.
Xe tăng Sherman. Ảnh: National Interest. |
Lúc mới thành lập, quân đội Israel chỉ có một số lượng hạn chế các xe thiết giáp, chủ yếu là xe ô tô trinh sát và các khung xe tải được chuyển đổi chóng vánh thành xe thiết giáp bằng cách gắn thêm miếng giáp và 1 đến 2 khẩu súng máy.
Lực lượng tăng ban đầu của Israel gồm hoàn toàn các xe tăng Hotchkiss cổ của Pháp – những xe này đã lạc hậu ngay từ đầu Thế chiến 2.
Khó khăn trong việc tìm kiếm loại xe tăng tốt hơn, người Israel đã lùng sục tới nhiều đống phế liệu ở khắp nơi (ở Palestine, châu Âu, thậm chí cả Philippines...) để tìm các linh kiện xe tăng bị bỏ hoang... Sau đó các xe tăng này được đưa lậu về Israel dưới vỏ bọc “xe kéo”.
Do các xe tăng này lấy từ các bãi phế liệu nên nhìn chung chúng không sử dụng được ngay và đòi hỏi Israel phải bỏ ra rất nhiều công sức thì mới đưa được chúng về tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Đôi khi công việc còn vất vả hơn nữa vì một số xe tăng đã bị “phi quân sự hóa” nhằm ngăn người khác sử dụng lại. Chẳng hạn người ta có thể đã khoan lỗ ở nòng pháo hay các cơ chế khác cần thiết cho vũ khí chính. Sau nhiều sửa chữa, xe tăng Sherman hỏng và cũ đã được giao về các đơn vị chiến đấu của quân đội Israel.
Bản chất đa dân tộc của quân đội Israel khiến cho các binh sĩ của lực lượng này khi ấy thường được nhóm thành các đơn vị dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chẳng hạn một xe tăng Sherman và 2 xe tăng Cromwell được nhóm lại thành “Đại đội tiếng Anh” vì các thành viên của nhóm này đều nói tiếng Anh. Đại đội này nằm trong Tiểu đoàn Tăng số 82 giúp chiếm sân bay Lydda trong cuộc chiến tranh năm 1948. Đại đội này cũng chiến đấu ở Latrun, nơi một số xe tăng của đơn vị này đã bị bắn hạ bởi pháo chống tăng của lực lượng lê dương Arab. May cho Israel là lúc đó phần lớn các lực lượng quân sự của Arab tham chiến chống lại họ chưa được cơ giới hóa cao độ.
Phiên bản xe tăng Sherman cải tiến của Israel
Sau khi lệnh ngừng bắn của Liên Hợp Quốc có hiệu lực vào giữa năm 1948, Israel đã tranh thủ quãng thời gian quý báu đó để gia tăng quy mô lực lượng thiết giáp và cơ giới của mình. Mặc dù không thể mua các xe tăng, xe thiết giáp mới, Israel vẫn còn dư khá nhiều trang thiết bị từ thời Thế chiến 2 để lựa chọn và số vật dụng này tạo nên xương sống sức mạnh của quân đội Israel.
Israel nhanh chóng lắp ráp được khoảng 50 xe tăng và 300 xe nửa bánh xích.
Hầu hết xe tăng là loại Sherman, được thu gom về từ các bãi phế liệu ở khắp châu Âu và những nơi khác.
Bộ sưu tập xe tăng khá đa dạng, bao gồm cả mẫu M4A1 và M4A2 được trang bị động cơ diesel. Vũ khí thì là một tập hợp thập cẩm các loại từ pháo 75mm và 76mm đến lựu pháo 105mm, một số xe tăng còn dùng pháo 77m thời Thế chiến 1 do Đức chế tạo. Các pháo này được lắp vào xe tăng để thay thế các khẩu pháo hỏng hoặc bị phi quân sự hóa đến mức các công nhân của quân đội Israel không thể sửa chữa để đưa về trạng thái bắn được.
Một chiếc xe tăng M4A1 nặng hơn 30 tấn, dài hơn 5,7m, rộng 2,5m, và cao 2,7m. Kíp xe gồm 5 người, là trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn, lái xe và xạ thủ súng máy. Xe tăng này có thể đi với tốc độ 40,2km/h trên đường bộ và tầm 24-32km/h trên các địa hình khác. Tầm hoạt động của xe từ 160km đến 241km, tùy thuộc vào loại động cơ. Thường thường xe Sherman mang một súng máy đồng trục và một súng máy gắn trên tháp pháo. Ban đầu xe gắn tạm súng máy cổ của Đức hoặc Séc, về sau Israel nhận được thêm súng máy M2 của Pháp để lắp vào đúng chỗ gốc trên xe tăng này.
Sức mạnh quân sự đáng nể của Israel trên bảng xếp hạng thế giới 2019
Trong cuộc chiến tranh 1948 (giữa Israel và các nước Arab), quân đội Israel đã sử dụng số ít xe tăng của mình chủ yếu cho nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh và học thuyết quân sự này ban đầu được duy trì như vậy. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1950, điều này đã được thay đổi. Tiểu đoàn xe tăng số 82 được sáp nhập với các tiểu đoàn đặc nhiệm số 9 và cơ giới số 79 để xây dựng lên lữ đoàn Thiết giáp số 7.
Dưới sự lãnh đạo của Uri-Ben Ari, quân đội Israel áp dụng thêm một số tư duy tiến công và chiến thuật mới. Trong các cuộc diễn tập năm 1952 và 1953, bộ binh Israel rơi vào thế phải rút lui trước cuộc tiến công của xe tăng Sherman. Điều này ấn tượng Thủ tướng Israel khi đó là David Ben-Gurion đến mức ông hạ lệnh ngay lập tức mua thêm xe tăng này.
Lúc đó Pháp sẵn sàng bán thêm xe tăng này cho Israel vì Pháp đang đối đầu với cuộc chiến du kích ở Algeria mà Ai Cập thì ủng hộ lực lượng nổi dậy. Pháp trả đũa Ai Cập bằng cách trợ giúp quân sự cho Israel. Ngoài việc huấn luyện cho sĩ quan quân đội Israel tại các trường quân sự của Pháp, phía Pháp còn bán cho Israel 100 xe tăng hạng nhẹ AMX-13 và thêm 60 xe tăng Sherman. Với nguồn cung mới này, Israel có thể lập thêm 2 lữ đoàn thiết giáp.
Sự cố bắn nhầm xe tăng Sherman ở khu vực kênh đào Suez
Năm 1956, Israel bắt đầu hợp tác với Pháp và Anh, vốn có kế hoạch đánh chiếm kênh đào Suez sau khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel quốc hữu hóa con kênh này. Về phần mình, Israel khó chịu về các cuộc đột kích ở biên giới Ai Cập.
Trong chiến dịch Kadesh, một tiểu đoàn thuộc từng lữ đoàn 7, 27 và 37 (của Israel) được trang bị xe tăng Sherman. Lữ đoàn 7 chiến đấu ở Abu Ageila và gửi một đơn vị nhỏ tới trợ giúp lính dù Israel ở đèo Mitla.
Cả 2 lữ đoàn số 7 và 37 cùng tác chiến ở Um Katef, nơi đây việc cùng sử dụng xe tăng Sherman ở cả 2 phe đối địch đã gây ra một sự cố bắn nhầm tai hại. Vào ngày 1/11/1956, khi các đơn vị Israel tiến về các vị trí của Ai Cập từ các hướng khác nhau, họ nhầm nhau là kẻ thù. Lữ đoàn 7 đã bắn hạ nhầm 8 xe tăng của lữ đoàn 37 trước khi mọi việc được kiểm soát trở lại. Trên thực tế, lực lượng quân Arab đã lặng lẽ rút lui trước khi quân Israel tới đây. Tuy nhiên, nhìn chung quân Israel tác chiến tốt, sử dụng xe tăng cổ Sherman một cách thành thục khéo léo./. (Còn tiếp)
Từ khóa: Quân đội Israel, xe tăng Israel, cuộc chiến sinh tồn, cải tiến vũ khí, xóa sổ nhà nước
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN