Quá trình chuyển giao quyền lực giữa ông Biden và ông Trump sẽ diễn ra thế nào?

Cập nhật: 07/11/2024

VOV.VN - Ông Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 5/11 khi giành được 295 phiếu đại cử tri, đánh bại ứng viên tổng thống Kamala Harris với 226 phiếu đại cử tri, trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Theo giới phân tích, với việc trở lại Nhà Trắng lần này, ông Trump nhiều khả năng sẽ thành lập một chính quyền hoàn toàn mới, khác biệt so với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Đội ngũ của ông cũng cam kết, chính quyền thứ hai này sẽ không giống với chính quyền đầu tiên mà ông Trump thành lập sau khi đắc cử tổng thống vào năm 2016.

Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ có thời gian 75 ngày xây dựng đội ngũ trước Ngày nhậm chức dự kiến diễn ra vào 20/1/2025. Ông Trump sẽ một danh sách những việc cần làm, đáng chú ý là việc lấp đầy khoảng 4.000 vị trí trong chính phủ bằng những nhân vật mà nhóm của ông lựa chọn, từ vị trí bộ trưởng ngoại giao và các bộ trưởng khác trong nội các đến những người phục vụ bán thời gian trong các hội đồng và ủy ban. Khoảng 1.200 vị trí trong số này cần sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Điều này nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn trong bối cảnh phe Cộng hòa đang trên đà kiểm soát Thượng viện.

Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như thế nào?

Mặc dù sự thay đổi trong chính quyền mới sẽ diễn ra một cách toàn diện, nhưng ông Trump dường như đã quen thuộc điều đó. Tổng thống đắc cử Trump đã xây dựng một chính quyền hoàn toàn mới trong nhiệm kỳ đầu tiên và nhiều khả năng ông đã lên ý tưởng cũng như lập kế hoạch kỹ lưỡng để tạo ra sự khác biệt trong nhiệm kỳ này.

Trong bài phát biểu giành chiến thắng vào ngày 6/11, ông Trump đã giới thiệu một số ứng viên tiềm năng, trong đó có cựu ứng cử viên tổng thống và nhà hoạt động chống vaccine Robert Kennedy Jr. và tỷ phú Elon Musk, người Mỹ gốc Nam Phi.

“Ông Kennedy Jr. sẽ được chọn để giúp nước Mỹ lớn mạnh trở lại. Chúng tôi sẽ để ông ấy làm điều đó", ông Trump cho biết.

Tổng thống đắc cử cũng cam kết đưa Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla - một người ủng hộ nhiệt thành cho chiến dịch tranh cử của ông, trở thành bộ trưởng phụ trách "cắt giảm chi phí" của liên bang, Ông Elon Musk cho biết, ông có thể giúp cắt giảm hàng nghìn tỷ USD trong chi tiêu của chính phủ.

Quá trình chuyển giao quyền lực không chỉ là lấp đầy những vị trí trong chính quyền. Hầu hết các tổng thống đắc cử cũng nhận được báo cáo về thông tin tình báo gần như hàng ngày trong quá trình chuyển giao.

Năm 2008, Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush đã báo cáo với Tổng thống đắc cử Barack Obama về các hoạt động bí mật của Mỹ. Khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức vào năm 2016, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Obama, bà Susan Rice, đã báo cáo với ông Michael Flynn - người kế nhiệm của bà trong chính quyền mới.

Tuy nhiên, vào năm 2020, những thách thức pháp lý của ông Trump về kết quả bầu cử đã trì hoãn quá trình chuyển giao trong nhiều tuần và các cuộc họp báo của ông với người kế nhiệm Joe Biden chỉ bắt đầu cho đến ngày 30/11/2020.

Bầu cử Mỹ 2024: “Bức tường lửa” của ông Trump mạnh hơn năm 2020

VOV.VN - Trưa 6/11 (theo giờ Việt Nam), ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử được cho là sít sao nhất trong lịch sử hiện đại. Ông Trump sẽ có nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2016-2020. Dưới đây là những điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử lần này.

Ai sẽ giúp đỡ ông Trump trong quá trình này?

Quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ được những nhân vật thân cận và các thành viên trong gia đình ông hỗ trợ, trong đó có ông Kennedy Jr., cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Tulsi Gabbard, hai con trai của ông là Donald Trump Jr. và Eric Trump, và người đồng hành tranh cử với ông - Thượng nghị sỹ JD Vance.

Ngoài ra còn những nhân vật khác như Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald Howard Lutnick cùng với bà Linda McMahon - một bà trùm đấu vật chuyên nghiệp người Mỹ, hiện là chính trị gia, và từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Quy định chuyển giao quyền lực mới

Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump lập luận rằng, sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu đã khiến ông “mất cuộc bầu cử”. Điều này đã trì hoãn việc bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền sắp mãn nhiệm của ông sang chính quyền mới của Tổng thống Biden trong nhiều tuần.

Cách đây 4 năm, bà Emily Murphy - người đứng đầu người đứng đầu Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) – do ông Trump bổ nhiệm cho biết, bà không có tư cách pháp lý để xác định người chiến thắng trong cuộc đua giành chức tổng thống vì ông Trump vẫn đang thách thức kết quả tại tòa án. Điều đó đã trì hoãn việc tài trợ và hợp tác trong quá trình chuyển giao.

Phải đến khi những nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử thất bại, bà Murphy mới đồng ý chính thức "xác định tổng thống đắc cử" và bắt đầu quá trình chuyển giao. Cuối cùng, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội rằng chính quyền của ông sẽ hợp tác với chính quyền mới.

Để ngăn chặn sự trì hoãn tương tự trong các quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới trong tương lai, Đạo luật Cải thiện Quá trình Chuyển giao quyền lực Tổng thống của Mỹ năm 2022 yêu cầu quá trình chuyển giao phải bắt đầu 5 ngày sau cuộc bầu cử, ngay cả khi kết quả bầu cử vẫn còn gây tranh cãi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “sự xác nhận chắc chắn của GSA không còn là điều kiện tiên quyết để chính quyền mới nhận được các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi", theo hướng dẫn của cơ quan về các quy tắc mới.

Từ khóa: Trump, Donald Trump, ông Trump thắng cử, bầu cử Mỹ, chuyển giao quyền lực, chính quyền Biden, chính quyền Trump, phiếu đại cử tri, Kamala Harris, quy định chuyển giao quyền lực

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập