"Quá nhiều bài tập Tết khiến học sinh mất hứng thú học tập”
Cập nhật: 4 giờ trước
Hà Nội: Từ hôm nay, phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng dịp Tết
13 cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương gương mẫu trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy (21/01/2025)
VOV.VN - Tết là thời gian để mọi người được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, tận hưởng không khí ấm áp an lành những ngày đầu xuân năm mới. Thế nhưng với không ít học sinh, Tết bớt vui và không kém phần áp lực khi có quá nhiều bài tập về nhà.
Anh Vũ Xuân Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù nghỉ Tết, nhưng hầu như năm nào, con trai anh (hiện đang học cấp THPT) cũng “vùi đầu” vào bài vở. “Trước đây khi ở những lớp nhỏ hơn, bố mẹ con cái thường xuyên “chiến tranh”, không khí ngày Tết căng thẳng vì chuyện bài vở. Con thì muốn được chơi, nhưng bài tập lại nhiều, bố mẹ nhắc nhở chuyện học hành thành ra mệt mỏi, cãi vã. Khi bước vào bậc THPT, con tự giác hơn, tự học, nhưng không khí ngày Tết náo nhiệt, rộn ràng khiến con mất tập trung hơn”, anh Cường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hường (Hải Dương) có con đang học lớp 10 cho biết, Tết những năm trước khi con chị đang học lớp 8, lớp 9, trong khi cả nhà đi chơi, chúc Tết, con vẫn ở nhà làm bài tập Tết. “Một phần cũng vì chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp cần ôn tập nhiều hơn. Nhưng một phần cũng vì con có rất nhiều bài tập. Mỗi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, thầy cô gửi vài tờ A4 là làm cả Tết cũng mới xong”.
Năm nay vào lớp 10, chị Hường hy vọng bài tập Tết của con sẽ nhẹ đi phần nào để con đón cái Tết trọn vẹn hơn.
Nói về việc học của con dịp Tết, chị Ngô Hồng Vân (Hà Nội) có con đang học tại một trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, nhà trường không giao bài tập Tết về nhà cho học sinh. Khi nghỉ Tết, giáo viên chỉ yêu cầu phụ huynh hướng dẫn con làm nốt những bài tập chưa hoàn thiện trên lớp. Trước khi đi học 1-2 ngày, chị Vân lại cùng con ôn tập lại một chút kiến thức để con bắt nhịp tốt hơn khi trở lại trường sau một kỳ nghỉ dài.
“Việc học là việc cả đời, nhưng cả năm mới có vài ngày Tết, đây là thời gian các con được nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia vào các hoạt động chung của gia đình, cộng đồng để có những trải nghiệm, hiểu biết về văn hóa… Bản thân tôi rất ủng hộ việc nhà trường không giao bài tập Tết về nhà cho con, để các con được hưởng một cái Tết trọn vẹn, nhất là ở bậc tiểu học. Không giao bài tập không có nghĩa là con không học, bố mẹ vẫn ôn luyện cùng con để con không quên kiến thức”, chị Ngô Hồng Vân nói.
Cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, Tết là dịp có ý nghĩa đặc biệt với học sinh, khi được quây quần bên gia đình. Việc giao quá nhiều bài tập tết cho học sinh là không cần thiết và cũng không nên.
“Trong không khí cả nhà cùng vui chơi, một mình con phải làm bài tập sẽ tạo cho học sinh tâm lý không thoải mái. Với Trường Tiểu học Đoàn Kết, tại các buổi họp cha mẹ học sinh, nhà trường đã thống nhất sẽ không có các bài tập cụ thể về Toán và Tiếng Việt cho học sinh.
Tuy nhiên, để học sinh không xao nhãng trong việc học, giáo viên vẫn yêu cầu các em lập thời gian biểu cụ thể những ngày trước Tết hoặc sau Tết để dành thời gian tự ôn tập những phần kiến thức vừa học và chuẩn bị học khi trở lại trường. Đây cũng là kỹ năng tự học, tự lập khi ở nhà mà nhà trường rất chú trọng rèn luyện cho học sinh.
Năm nay Trường Tiểu học Đoàn Kết cũng có 1 bài tập tương tự như năm trước cho toàn bộ học sinh, liên quan đến kỹ năng như văn hóa khi nhận lì xì, văn hóa chào hỏi đã được học ở trường ứng dụng vào cuộc sống. Nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh để kịp thời khen con khi đã biết áp dụng những điều hay lẽ phải được học vào sinh hoạt, cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, bài tập đặc biệt này cũng sẽ yêu cầu học sinh tham gia vào những việc như dọn dẹp nhà cửa đón Tết, tham gia làm một số món ăn với bố mẹ, đi chúc Tết…”, cô Liễu cho biết.
Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) cũng cho hay, ban giám hiệu đã thông báo đến toàn bộ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn không giao bài tập về nhà cho học sinh để học sinh có một cái Tết trọn vẹn, không mang theo gánh nặng bài tập, điểm số.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ chỉ nhắc nhở và phối hợp với gia đình để học sinh thực hiện tốt quy định tại nơi cư trú, tránh xa các tệ nạn xã hội, pháo nổ, hung khí… để có một cái Tết an lành, vui vẻ. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện để học sinh tham gia vào các hoạt động vui Tết, đón xuân, các lễ hội tại địa phương.
“Tất cả sự vất vả, lo lắng về học tập của học sinh sẽ khép lại sau khi có lịch nghỉ Tết chính thức của nhà trường để các em có thể hòa mình vào không gian văn hóa lễ Tết.
Với chương trình GDPT mới hiện nay có rất nhiều tiến bộ để giảm bớt gánh nặng về bài tập cũng như điểm số cho học sinh, tập trung nhiều hơn vào phẩm chất, năng lực. Việc giáo dục học sinh trong không gian văn hóa Tết cũng góp phần hình thành phẩm chất cho các em. Trước Tết, Trường THCS Quỳnh Phương có phát động chương trình Tết yêu thương để giáo dục các em tấm lòng nhân ái. Trong Tết, chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, đây cũng chính là cách để giáo dục lòng yêu nước. Nếu các em nghỉ Tết nhưng vẫn phải lo gánh nặng bài tập sẽ làm nảy sinh tâm lý chán học và làm phai nhạt không gian văn hóa Tết rất quý báu của dân tộc, đất nước”.
Thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, các nhà trường nên tạo điều kiện để học sinh được đón một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa, không có quá nhiều bài vở. Bên cạnh đó, chính các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng nếu con không có bài tập Tết về nhà. Việc học sinh được nghỉ ngơi, “xả hơi” dịp Tết cũng là cách tạo khoảng trống để các em tái tạo sức lực, có động lực trở lại học tập tốt hơn. Khi trở lại với việc học sau Tết, các nhà trường sẽ có kế hoạch để giúp học sinh nhanh chóng bắt kịp nhịp học tập thường ngày.
Từ khóa: tết, bài tập tết, tết, học sinh, học tập, tết nguyên đán
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN