Nuôi lớn tình yêu Việt Nam qua chuyện kể của bà

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Giáo dục gia đình là điểm khởi đầu của lòng yêu nước. Từ những câu chuyện kể của bà, những món ăn Việt mẹ nấu hay bức ảnh quý chụp chung với Bác Hồ trong cuốn album gia đình đã nuôi lớn tình yêu Việt Nam trong chị Almi, thế hệ thứ 3 trong gia đình Việt - Indonesia tại Jakarta. 

Đến hẹn lại lên, cứ 2-3 năm/lần, gia đình bà Trần Ngọc Tú cùng các con cháu đều đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta. Bà Trần Ngọc Tú năm nay đã 86 tuổi, là con của một phụ nữ quê ở Bình Định lấy chồng người Indonesia làm việc tại Đà Lạt.

Năm 1946, khi bà Tú được 7 tuổi, cả gia đình bà quay lại Indonesia sinh sống tại thành phố Bandung, Tây Java. Cứ có dịp quan trọng, đại gia đình với gần 30 thành viên, từ các cụ bà đến cháu nhỏ xúng xính trong bộ áo dài truyền thống, đến Đại sứ quán Việt Nam để tận tay trao những món ăn dân dã như cá chiên hay nem rán do gia đình tự tay chuẩn bị.

Được trò chuyện và gặp gỡ cùng Đại sứ hay các nhân viên trong Sứ quán là cách để bà Trần Ngọc Tú giúp các con cháu hiểu về cội nguồn, về dân tộc Việt Nam.  

Anh Rizal, con rể của bà chia sẻ, là người Indonesia anh cảm thấy rất vinh hạnh được làm rể gia đình. Nhất là những dịp anh được tham dự các sự kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, dù có bận đến đâu, gia đình anh cũng cố gắng thu xếp để các con được tham gia.

“Bà luôn nhắc nhở, việc gia đình đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta vừa là cơ hội được gặp gỡ Đại sứ và những người Việt Nam, vừa giúp các con hiểu hơn về cội nguồn của mình, rằng các con vẫn mang trong người dòng máu Việt”, anh Rizal chia sẻ.

Các cháu nhỏ chạy lăng xăng trong khuôn viên Sứ quán, ngắm nhìn những bức tranh cánh đồng lúa chín vàng Việt Nam hay tháp rùa cổ kính nhưng không cảm thấy quá xa lạ, dù chưa từng đặt chân đến Việt Nam, vì đó đều là những hình ảnh thân quen luôn hiện hữu trong các câu chuyện kể của bà.

Lần giở từng chiếc ảnh đã bị ố màu trong cuốn album quý của gia đình, mặc dù trí nhớ không còn minh mẫn và sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Indonesia trong câu chuyện kể của mình, bà Trần Ngọc Tú không giấu nổi niềm tự hào kể về bức ảnh chụp chung với Bác Hồ khi Bác đến thăm Indonesia vào năm 1959.

Khi đó, bà đang học cấp 2 được cùng bố mẹ và em gái đến gặp Bác Hồ. Bà chia sẻ đã được Tổng thống Indonesia Sukrano thơm vào má, còn em gái bà được vinh dự  tặng hoa Bác.

"Mẹ tôi khóc mừng rỡ khi được gặp Bác Hồ. Nghe bố tôi bảo Bác Hồ được cả nước Việt Nam yêu quý và kính trọng, lúc đó tôi tự hào và hạnh phúc lắm vì được đón Bác tại Indonesia. Bác Hồ đã bày tỏ vui mừng khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân Indonesia, ân cần hỏi han từng thành viên trong gia đình”, bà Trần Ngọc Tú kể lại.

Kể lại câu chuyện đến bây giờ bà vẫn không ngừng xúc động và câu chuyện được gặp Bác Hồ có lẽ là niềm tự hào và hãnh diện của nhiều thế hệ trong gia đình bà Tú.

Anh Firman (cháu nội của bà Tú) chia sẻ niềm tự hào về việc gia đình đã có cơ hội được gặp Bác Hồ, đặc biệt là bà của anh. Anh cảm nhận rất rõ sự xúc động và hãnh diện thể hiện trong từng câu nói và ánh mắt của bà.

Do điều kiện nên gia đình bà Tú không thể thường xuyên trở về Việt Nam thăm họ hàng. Giúp con cháu nhớ về quê hương, bà Trần Ngọc Tú cũng cố gắng gìn giữ nét đẹp truyền thống như dạy các con một số món ăn Việt Nam, may những chiếc áo dài truyền thống mỗi khi có dịp đặc biệt. Tuy nhiên, điều mà bà Tú cảm thấy trăn trở và tiếc nuối nhất là do không có nhiều người Việt tại Indonesia nên các con cháu của bà chỉ biết một số từ tiếng Việt cơ bản.

Góp viên gạch nhỏ xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Indonesia

Giáo dục gia đình là điểm khởi đầu của lòng yêu nước. Từ những câu chuyện kể của bà, những món ăn Việt mẹ nấu hay bức ảnh quý chụp chung với Bác Hồ trong cuốn album gia đình đã nuôi lớn tình yêu Việt Nam trong chị Almi, thế hệ thứ 3 trong gia đình Việt-Indonesia tại Jakarta.  

Điều này đã thôi thúc chị tìm hiểu và làm luận văn tốt nghiệp về quan hệ Việt Nam-Indonesia, với mong muốn giới thiệu Việt Nam với bạn bè Indonesia, viết tiếp câu chuyện tình yêu của gia đình.

Bài luận mang nhiều tâm huyết của cô gái trẻ gửi vào 95 trang giấy với chủ đề “Nỗ lực ngoại giao của Indonesia thúc đẩy lượng khách từ Việt Nam 2019-2023” đã nhận được điểm số rất tốt, gây ấn tượng với bạn bè và thầy cô giáo trong trường.

Chị Almi chia sẻ có những lúc gặp khó khăn trong việc tìm tư liệu cũng như “bí từ”, chị lại sang gặp bà, nghe bà kể những câu chuyện về Việt Nam, ăn những món Việt Nam bà nấu, để tiếp thêm động lực hoàn thành bài luận.

“Có lẽ tình yêu Việt Nam luôn có sẵn nên bài làm của tôi rất tốt. Chọn chủ đề du lịch, tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn bè Indonesia về Việt Nam. Hy vọng sẽ có nhiều người Indonesia đến khám phá Việt Nam và ngược lại. Tôi tự hào về mảnh đất nơi có ông bà tôi đã sinh ra và lớn lên”, chị Almi cho biết.

Bắt tay làm bài luận khi thế giới vừa trải qua dịch Covid-19 và đến thời điểm này, những đánh giá và mong muốn trong bài luận của chị đang dần trở thành hiện thực khi các số liệu mới nhất cho thấy, lượng khách du lịch Việt Nam tới Indonesia và ngược lại tăng mạnh trong thời gian qua.

Học tiếng Việt, làm những công việc liên quan đến Việt Nam hay góp những điều nhỏ bé để gắn kết hai đất nước là điều cô gái trẻ với đầy ước mơ và hoài bão ấp ủ khi bước chân ra khỏi cổng trường đại học. Nhưng đối với Almi, điều cô muốn thực hiện sớm nhất đó là được đến Việt Nam, để được chạy trên các cánh đồng chè hay triền đê của Đà Lạt - nơi cô đã có cảm giác rất thân thuộc và gần gũi dù mới chỉ nghe trong các câu chuyện kể của bà.

Bí thư Đà Nẵng: Gìn giữ nét đẹp “Người Cơ Tu thờ ảnh Bác Hồ”

VOV.VN - Bà con Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng tiếp tục duy trì, gìn giữ nét đẹp “Người Cơ Tu thờ ảnh Bác Hồ” để nhớ lời bác dạy, “Người Cơ Tu bảo vệ vùng giáp ranh”, “Khu dân cư rạp cờ đỏ ngày lễ hội”, là mong muốn của ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí chiều nay.

Từ khóa: Việt Nam, Việt Nam, Indonesia, Bác Hồ

Thể loại: Nội chính

Tác giả: pv/vov-jakarta

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan