Qua bao biến thiên của cách mạng, Mặt trận là ngôi nhà chung của đại đoàn kết

Cập nhật: 18/11/2020

VOV.VN - Trải qua chặng đường lịch sử 90 năm, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

90 năm qua, trong những trang vàng chói lọi của đất nước đều có dấu ấn quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để toàn dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về thành lập Hội phản đế Đồng minh. Đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân nhằm tập hợp rộng rãi các giai cấp, dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp trong xã hội, người dân yêu nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân mà cách mạng cần phải có lực lượng. Lực lượng rộng rãi nhưng rất chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện một nước thuộc địa phong kiến và tập hợp tất cả các giai tầng như vậy, tôi cho là rất phù hợp. Ngay đầu tiên, Đảng đã đề ra một chủ trương rất đúng đắn”.

Trải qua 90 năm xây dựng và không ngừng phát triển, dù với tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận Tổ quốc đều chung mục đích xây dựng tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh to lớn. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân đã làm nên cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Qua bao biến thiên của cách mạng và chiến tranh, Mặt trận đúng là ngôi nhà chung của đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… và đã trở thành nguồn động lực, là chỗ dựa rất mạnh của thể chế chính trị, của đất nước này, của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như nhân dân ta”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước các cuộc vận động, tăng cường đồng thuận xã hội chăm lo đời sống nhân dân. Đặc biệt, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân Nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kế Lâm, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: trong giai đoạn hiện nay, phải thực sự phát huy dân chủ trong nhân dân.

“Tại sao phải phát huy dân chủ? Vì dân chủ để người ta nói lên những tâm tư, tình cảm của họ đối với Đảng, với chính quyền, những việc bức xúc của xã hội, trong đó có cuộc sống của họ. Không cho họ nói, thì không có nơi cho họ trình bày. Như vậy, trong lòng người dân bao giờ cũng có bức xúc. Nếu để cho họ nói ra để biết, thảo luận cùng họ và tìm đến đồng thuận”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kế Lâm phân tích thêm.

Thực hiện chức năng giám sát phản biện và phản biện xã hội, 5 năm qua, đã có hơn 4.000 cuộc giám sát ở cấp tỉnh, gần 23.000 cuộc giám sát ở cấp huyện và gần 470.000 cuộc giám sát ở cấp xã. Mặt trận Tổ quốc đã lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và khả năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương. Ngoài 12 chương trình giám sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, ở địa phương cũng chọn vấn đề “nóng”, bức xúc, được nhân dân quan tâm để giám sát. Qua đó, hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện thuận lợi tham gia giám sát ngay từ cộng đồng dân cư.

GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kỳ vọng: “So với đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, so với kỳ vọng nhân dân thì Mặt trận các cấp phải làm tốt hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội. Nhìn chung chưa đáp ứng, có những lúc hình thức, chưa thật là thực chất lắm. Để khắc phục tính hình thức cũng như làm tốt hơn chức năng giám sát, phản biện, tôi nghĩ cần nhận thức và nâng cao hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phải xem đó là phương thức giám sát quyền lực, một phương thức kiểm soát quyền lực”.

Trải qua 90 năm, những chặng đường lịch sử, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong giai đoạn hiện nay giúp cho MTTQ Việt Nam không ngừng phát huy vai trò là cơ sở chính trị vững chắc của chính quyền nhân dân mà còn là tổ chức tin cậy, đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân./.

Từ khóa: 90 năm Mặt trận dân tộc thống nhất, Mặt trận Tổ quốc, đại đoàn kết toàn dân tộc

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập