Phương án vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ cao, DN không mặn mà cổ phần hóa

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần

Thời gian qua, cổ phần hóa (CPH) là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) sau CPH.

Nhà nước sở hữu vốn cao làm giảm lực hút đầu tư

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính),quá trình CPH, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước dù chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, song cũng đạt được những kết quả nhất định. Cơ chế, chính sách về CPHDNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

phuong an von nha nuoc chiem ty le cao, dn khong man ma co phan hoa hinh 1
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp
(Bộ Tài chính).

Tuy nhiên, ông Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện một số Bộ, Ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

“Vai trò, nhận thức cũng như trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước”, ông Tiến chỉ rõ.

Đáng chú ý theo ông Tiến, quá trình CPHDNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Hoặc như tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPHDNNN còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH. Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DNCPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

“Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này”, ông Tiến chỉ rõ.

Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)cho biết, nhìn chung, công tác CPH tuy chậm so với kế hoạch, nhưng với sự chủ động báo cáo, đề xuất của SCIC, đa số các DN nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, các khó khăn vướng mắc đã có hướng xử lý cụ thể, đặc biệt là phê duyệt phương án sử dụng đất.

“Hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, công khai minh bạch, đạt được hiệu quả cao. Kinh nghiệm bán vốn nhà nước thành công của SCIC đã được nghiên cứu để đẩy mạnh áp dụng chung cho các DNNN, Tập đoàn, tổng công ty nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu, CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Nam chỉ rõ.

Bên cạnh những kết quả trên, đại diện SCIC cũng cho biết, DN cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Cụ thể, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN còn chậm, quy mô hạn chế; Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết…

Cần hoàn thiện cơ chế

Gợi ý cho việc thúc đẩy CPH, ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nộicho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến CPH, thoái vốn nhà nước; có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những DNNN CPH từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

“Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của DNNN CPH”, ông Quỳnh cho biết.

phuong an von nha nuoc chiem ty le cao, dn khong man ma co phan hoa hinh 2
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch
Chứng khoán Hà Nội.

Theo ông Vũ An Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), Nhà nước cần cho phép kết hợp xác định giá DN, đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất, hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị DN. Cần phải có quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Ông Trần Nguyên Nam kiến nghị, cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN một cách tổng thể; các bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC.

Đại diện SCIC cũng kiến nghị, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ theo hướng theo dõi và thu hồi nợ DN trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ sho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường như DATC hay VAMC./.

Từ khóa: cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, nhà đầu tư, niêm yết sàn chứng khoán, doanh nghiệp thua lỗ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập