Phú Yên tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần tăng giá trị hàng hóa
Cập nhật: 17/03/2021
Trái sầu riêng cận Tết giảm giá sâu, nhà vườn đón Tết kém vui
Cảnh lạ ở 'thủ phủ' bánh kẹo Hà Nội ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ
VOV.VN - Nông sản gắn tem truy xuất giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng tầm giá trị.
Thời gian qua, các ngành, địa phương ở tỉnh Phú Yên đã tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Khi có nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc, được bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước nông sản được người tiêu dùng tin tưởng.
Gạo Hoa Vàng An Nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp An Nghiệp, huyện Tuy An được dán mã QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc và được bày bán trên kệ gạo trong Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, Hợp tác xã Nông nghiệp An Nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng bằng cách mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo dựng thương hiệu bền vững trên thị trường và hướng đến xuất khẩu.
“Đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm thì HTX tuân thủ theo nguyên tắc lâu nay. Mặc dù nhiều nông dân cùng sản xuất trên đồng ruộng nhưng tất cả đều theo một quy trình chung. Tức là sạ một ngày bao nhiêu ký và bao nhiêu ngày bón phân và lượng phân bón bao nhiêu, sử dụng thuốc như thế nào. Phải nói chất lượng sản phẩm tuyệt đối đồng nhất”, ông Trần Tấn Khoa cho hay.
Đối với ông Võ Minh Tuấn, ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh sau khi sản phẩm trái cây từ vườn cây ăn trái của mình được công nhận là sản phẩm OCOP, được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, lượng khách đặt mua trái cây tăng cao đáng kể. Ông Tuấn cho biết, giờ đây, nỗi lo về đâu ra hay nỗi lo về được mùa, mất giá; được giá mất mùa đã không còn nữa: “Thương hiệu OCOP mức độ tiêu thụ gấp mấy lần hồi trước, có những thời điểm bán đến 2 tấn, họ rất tin tưởng sản phẩm của mình”.
Mục đích của truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đơn giản là dán tem để người tiêu dùng yên tâm, mà đây còn là công cụ để cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình sản xuất, tiêu thụ. Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code là xu hướng tất yếu. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hàng chục cơ sở sản xuất thực hiện dán tem truy xuất hàng hóa sản phẩm nông, lâm, thủy sản... chủ yếu là sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm được chứng nhận đạt danh hiệu OCOP.
“Địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu, sẽ tuyên truyền cho các xã lân cận Xuân Quang 3, Xuân Quang 2 thị trấn La Hai hình thành các chuỗi cung cấp nguyên liệu cho HTX”, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nói.
Nông sản gắn tem truy xuất giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng tầm giá trị. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh yêu cầu các đơn vị địa phương thúc đẩy thực hiện truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị hàng hóa.
“Ở đây không chỉ nói riêng các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất mà phải nói đến vai trò bệ đỡ của các cơ quan quản lý để tạo ra những vùng thương hiệu, vùng sản phẩm đồng chất, đồng nhất và có có quy trình sản xuất để chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bảo đảm tính ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Trần Hữu Thế cho biết thêm./.
Từ khóa: truy xuất nguồn gốc, nguồn gốc nông sản, OCOP, Phú Yên
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN