
Phong trào "Bình dân học vụ số”: Ngọn lửa khai sáng lan tỏa mọi tầng lớp
Cập nhật: 10 giờ trước
Hải Phòng yêu cầu di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm trước 20h hôm nay
Thanh Hóa quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão số 3
VOV.VN - Từ đô thị đến nông thôn, từ lớp học trực tuyến đến những buổi “cầm tay chỉ việc” tại khu dân cư, phong trào “Bình dân học vụ số” đang thổi bùng tinh thần học tập suốt đời, trang bị cho người dân kỹ năng cần thiết để hòa nhập an toàn, chủ động và hiệu quả vào môi trường số hiện đại.
Trong kỷ nguyên số, khi công nghệ ngày càng len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, khả năng tiếp cận và làm chủ kỹ năng số không còn là đặc quyền của một nhóm người mà trở thành nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Trên tinh thần đó, phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời, kế thừa tinh thần "diệt giặc dốt" năm xưa đã trở thành một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ, mang tri thức số đến với mọi tầng lớp nhân dân - từ cán bộ công chức đến người lao động, từ học sinh đến người cao tuổi, từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Phong trào được Chính phủ phát động từ cuối năm 2024, với mục tiêu xây dựng một xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số. Chỉ trong vài tháng, phong trào đã thu hút hàng chục nghìn người dân tham gia tại các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Quảng Trị... Mỗi địa phương chọn một cách tiếp cận riêng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng đều cùng chung một tinh thần: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.
Tại Hà Nội, làn sóng “xóa mù công nghệ” đang lan tỏa mạnh mẽ tới từng phường, xã. Năm 2025, phong trào trở thành cuộc vận động học tập sôi nổi, đưa công nghệ đến gần hơn với đời sống người dân. Các đội hình “Bình dân học vụ số” được tổ chức tại cộng đồng, với lực lượng nòng cốt là chi bộ Đảng, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên - những người đã được trang bị kiến thức và kỹ năng để trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đặc biệt với người cao tuổi.
Trong mỗi gia đình, con cháu hướng dẫn ông bà, cha mẹ những thao tác cơ bản trên điện thoại thông minh, sử dụng các ứng dụng như VNeID, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch số an toàn. Mô hình này không chỉ lan tỏa tinh thần học tập số mà còn giúp xây dựng cộng đồng số hòa nhập, bền vững. Việc hướng dẫn được thực hiện tận tình, dễ hiểu, với tinh thần học tập nghiêm túc, liên tục ở mọi lứa tuổi.
Bà Hoàng Hải Vân, 70 tuổi, sống tại phường Ba Đình chia sẻ, trước đây, công nghệ là điều “xa xỉ” với bà vì tâm lý ngại học. Nhờ phong trào “Bình dân học vụ số” và sự hỗ trợ của các đoàn viên, thanh niên tổ dân phố, bà đã biết sử dụng các ứng dụng công nghệ để đọc báo mạng, xem ảnh, nhắn tin và gọi video với con cháu, bạn bè.
“Phong trào không chỉ giúp tôi hiểu hơn về công nghệ mà còn thay đổi tư duy, cách sống. Giờ tôi đã biết mua bán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR, tìm kiếm thông tin và giải trí. Tôi thấy tự tin và cuộc sống thú vị hơn”, bà Vân nói.
Tại phường Ba Đình, để tăng cường hoạt động chuyển đổi số và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Đoàn phường đã chỉ đạo 100% đoàn viên, thanh niên triển khai chiến dịch cao điểm hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHanoi, lấy số online và hỗ trợ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Bà Phạm Thu Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Bí thư Đoàn phường Ba Đình cho biết, đội hình “Bình dân học vụ số” được thành lập với 20 thành viên là cán bộ, đoàn viên thanh niên tại các địa bàn dân cư. Các thành viên đã được tập huấn quy trình hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công và từ ngày 1/7, các đội hình bắt đầu ứng trực tại 3 điểm tiếp nhận thủ tục hành chính của phường: số 2 Trúc Bạch, số 12 - 14 Phan Đình Phùng và 68 Nguyễn Thái Học.
Tại các điểm này, đội ngũ hỗ trợ phân loại các thủ tục, hướng dẫn người dân kê khai trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc kết nối với bộ phận “một cửa” để hoàn thiện hồ sơ. Mọi người dân đến làm thủ tục đều được hỗ trợ, đặc biệt ưu tiên người cao tuổi - những người gặp khó khăn trong thao tác và tiếp cận công nghệ.
“Các hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tuy nhiên với người cao tuổi, nhiều thao tác trên cổng dịch vụ công vẫn còn quá phức tạp, cần có tình nguyện viên hỗ trợ trực tiếp. Từ thực tiễn đó, Đoàn phường đang lên kế hoạch thành lập các đội hình “Hỗ trợ dịch vụ công lưu động” để giúp người cao tuổi, người neo đơn tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính thuận tiện hơn. Đồng thời, việc thực thi cũng cho thấy nhiều thủ tục cần sớm được liên thông, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân”, bà Phương cho biết.
Ông Đào Việt Anh, Công ty Microsoft Việt Nam cho hay, phong trào "Bình dân học vụ số” đang nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của Nhà nước và toàn xã hội nhằm đưa công nghệ thông tin và các kiến thức phổ cập đến gần hơn với người dân, góp phần nâng cao vị thế công nghệ thông tin của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Phong trào hướng đến nhiều ngành nghề và tầng lớp khác nhau, từ người khuyết tật, thanh niên đến người cao tuổi. Tuy nhiên, theo định hướng chính sách, chương trình tập trung vào hai nhóm trọng tâm: hỗ trợ người trẻ hiểu rõ quá trình số hóa gắn với sự phát triển đất nước và giúp người khuyết tật tiếp cận, ứng dụng công nghệ để không bị hạn chế trong môi trường số.
Hiện, phong trào đã được triển khai tại nhiều địa phương (điển hình là Hà Nội, Thái Nguyên), nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Microsoft cùng Hội Thanh niên khuyết tật tổ chức các buổi làm việc, hướng dẫn người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Một trong những lĩnh vực nổi bật của phong trào là số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các công cụ như Microsoft Copilot hay GeninAI đang giúp người dân tiếp cận công nghệ thông qua việc đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp với AI.
“Phổ cập bình dân học vụ số không chỉ giúp người dân sử dụng công nghệ hiệu quả mà còn trang bị cho họ một “lá chắn” trong không gian mạng. Trước tình trạng gia tăng các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các ứng dụng, việc thiếu kiến thức số là một trong những nguyên nhân chính. Khi được trang bị đầy đủ, người dân không chỉ có thể tự bảo vệ bản thân mà còn biết cách khai thác công nghệ để cải thiện cuộc sống”, ông Việt Anh nói.
Một minh chứng điển hình là sự thay đổi trong hành vi sử dụng QR code. Trước đại dịch Covid-19, hình thức thanh toán này còn xa lạ với phần đông người dân. Tuy nhiên, nhận thức về an toàn trong mùa dịch đã thúc đẩy sự chuyển đổi thói quen. Sau đại dịch, tỷ lệ sử dụng QR code tại Việt Nam tăng mạnh, lan rộng đến cả các quầy hàng nhỏ lẻ. Việc phổ cập bình dân học vụ số cũng cần có thời gian, sự đồng thuận và hỗ trợ từ toàn xã hội. Quan trọng nhất là tạo ra môi trường, công cụ, lớp học và diễn đàn để mọi người cùng học tập, chia sẻ và nâng cao nhận thức. Khi đó, mục tiêu phổ cập kỹ năng số cho toàn dân sẽ không còn là điều xa vời.
Tuy vậy, ông Việt Anh cũng thừa nhận, việc triển khai chương trình còn nhiều khó khăn do đây là một sáng kiến mới. Dù AI đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước, phần lớn người dân vẫn mơ hồ về cách sử dụng trong thực tế. Việc biến AI thành một “trợ lý ảo” hữu ích cho đời sống hằng ngày vẫn là chặng đường dài. Microsoft và Hội Thanh niên khuyết tật đang phối hợp nhằm giúp cộng đồng có cách tiếp cận rõ ràng, dễ hiểu và ứng dụng thực tiễn hơn với AI.
“Chúng tôi - Microsoft, Hội Thanh niên khuyết tật và các đối tác đang cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu này. Trong 5-10 năm tới, tôi kỳ vọng chương trình bình dân học vụ số sẽ được phổ cập rộng rãi đến toàn thể người dân Việt Nam. Khi đó, người Việt không chỉ sử dụng công nghệ hiệu quả mà còn góp phần khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số”, ông Đào Việt Anh chia sẻ.
Mục tiêu đến năm 2026 là 100% người dân và cán bộ có kỹ năng số. Để đạt được điều này, mỗi cá nhân và tổ chức cần tinh thần cầu tiến, chủ động tìm hiểu và đóng góp vào sự phát triển chung. Đây là hành trình dài và cần nguồn lực lớn, nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay, Việt Nam có thể bị chậm lại trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.
Từ khóa: bình dân học vụ số, phong trào bình dân học vụ số, kỹ năng số, môi trường số, công nghệ số
Thể loại: Xã hội
Tác giả: chung thủy/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN