Phó Thủ tướng yêu cầu chặn “tham nhũng vặt” trong quản lý thị trường

Cập nhật: 25/09/2019

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, không để người dân, doanh nghiệp giảm sút niềm tin vào đội ngũ quản lý thị trường.

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong buổi làm việc với Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương chiều nay (14/2), tại Hà Nội.

pho thu tuong yeu cau ngan chan quot;tham nhung vatquot; trong quan ly thi truong hinh 1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong buổi làm việc với Tổng cục Quản lý Thị trường chiều nay.

Năm qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 155 nghìn vụ; phát hiện, xử lý gần 92.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 490.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tổng cục đã triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh; vụ việc mỹ phẩm- thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương (đã chuyển cơ quan công an để điều tra); kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng...; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản phẩm mỹ phẩm và thuốc đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Ngọc Tú…

Đáng chú ý, lực lượng Quản lý thi trường đã phối hợp cùng lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an kiểm tra, xử lý 05 container chứa hàng hoá số lượng lớn có dấu hiệu buôn lậu...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự báo trong năm nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để xử lý hiệu quả tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, lực lượng Quản lý thị trường cần tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường quán triệt đến toàn thể lực lượng phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn hàng năm. Đồng thời chủ động xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến các địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

“Tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ, nắm vững các diễn biến, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị, lực lượng quản lý thị trường thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động trong lực lượng Quản lý thị trường, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo sự đoàn kết trong nội bộ./.

Việt Cường/VOV1

Từ khóa: tham nhũng vặt, quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công thương,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập