Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh toàn diện về an toàn đường sắt, đường bộ
Cập nhật: 12/07/2024
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa"
VOV.VN - Tại cuộc họp chiều 12/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá và báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ từ năm 2014 đến nay.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc chấn chỉnh toàn diện về quy định pháp luật, thiết kế an toàn đường sắt, đường bộ, nhất là ở đô thị, khu vực đông dân cư, không để phát sinh thêm những đường ngang mất an toàn.
Sau 10 năm (từ ngày 19/6/2014), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ giai đoạn 2014-2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 720/1513 đường ngang đã trang bị hệ thống phòng vệ (có người gác, có cảnh báo tự động, có biển báo). Qua đó, nâng cao an toàn giao thông, an toàn chạy tàu tại các đường ngang.
Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn quốc vẫn còn 566 đường ngang có người gác cần sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, với nguồn kinh phí dự kiến là 1.047 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu 382 đường ngang.
Còn lại 184 đường ngang nằm ở vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, khu vực có dân cư đông đúc, mật độ phương tiện giao thông lớn cần bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trong sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác từ năm 2020 đến nay là do chưa bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách để triển khai. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994 đến hết năm 2025, để hoàn thành nốt 184 đường ngang còn lại, với tổng kinh phí dự kiến là 363 tỷ đồng.
Với kiến nghị này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập danh mục 184 đường ngang cần sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, xây dựng đơn giá, định mức, dự toán và triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thành sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu cho 184 đường ngang trong năm 2024; bảo đảm không chồng chéo với các nhiệm vụ khác.
Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố báo cáo việc thực hiện Quyết định số 994 theo trách nhiệm, phạm vi quản lý.
Từ khóa: đường sắt, an toàn đường sắt, đường ngang, trật tự hành lang an toàn đường sắt, đường sắt đô thị
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN