Phim tài liệu "Đoạn trường vinh hoa": Góc khuất đằng sau tiếng ca người nghệ sĩ
Cập nhật: 01/10/2020
VOV.VN - Bối cảnh của “Đoạn trường vinh hoa” như một cuộc rong ruổi của những người nghệ sỹ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây
Bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những ông hoàng bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Biến cố ập tới khi sóng gió xảy ra với những trụ cột của gánh hát. Tương lai nào cho gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác?
Là một dự án phim liên quan đến đề tài văn hoá truyền thống nên bộ phim nhận được tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật.
Bối cảnh của “Đoạn trường vinh hoa” như một cuộc rong ruổi của những người nghệ sỹ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, người ở Bạc Liêu lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các Đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc. Cũng từ những hành trình này, con người miền Tây Nam Bộ hiện lên qua những phút phim nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà làm mất đi bản chất tốt đẹp, chất phóng khoáng vốn có.
“Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống", đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ.
Bộ phim phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20h) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11/2020 và được công chiếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ (1 buổi/ 1 địa điểm) vào tháng 10-11/2020./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN