Philippines quyết tâm nối lại đàm phán về COC bấp chấp đại dịch
Cập nhật: 16/09/2020
Thêm một tòa soạn báo của New Zealand sa thải người lao động
ASEAN trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump
VOV.VN - Ngoại trưởng Philippines cho biết đàm phán COC, vốn bị hoãn lại vì dịch Covid-19, sẽ “nối lại theo hình thức trực tiếp, muộn nhất là tháng 11/2020”.
Hôm qua (15/9), Ngoại trưởng Philippines tuyên bố sẽ nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 hiện nay.
Trên Twiter cá nhân, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định: "Với tư cách là điều phối viên, tôi sẽ hoàn thành dự thảo thứ 2 trước khi trao quyền Điều phối viên này cho người anh em Myanmar". ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất sẽ có 3 lần đọc dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Cuộc họp về COC gần đây nhất là vào tháng 10/2019 tại Đà Lạt, khi đó ASEAN và Trung Quốc nhất trí chuẩn bị thực hiện vòng đọc lần hai văn bản dự thảo COC. Với vai trò điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc cho tới năm 2021, vòng đàm phán 2 phụ thuộc vào Philippines.
Trong một phiên họp tối 9/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đàm phán COC, vốn bị hoãn lại vì dịch Covid-19, sẽ “nối lại theo hình thức trực tiếp, muộn nhất là tháng 11/2020”.
Trước đó, trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, điều cấp thiết là phải đưa tất cả trở lại bàn đàm phán để chứng minh cho thế giới thấy các nước ASEAN quyết tâm đi đến một kết quả chính xác. Đây cũng là một trong những vấn đề được nêu ra trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tuần trước do Ngoại trưởng Locsin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chủ trì. Tại đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, tìm kiếm các cách thức linh hoạt nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để có thể tiến tới hoàn tất trên nguyên tắc đồng thuận trong thời gian sớm nhất.
Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 53 (ngày 9/9) cũng nhấn mạnh "sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC, và hoan nghênh các biện pháp thực tiễn nhằm giảm thiểu căng thẳng và nguy cơ xảy ra các sự cố, hiểu nhầm, tính toán sai lầm. Các Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và thực hiện các biện pháp phòng tránh để nâng cao sự tin tưởng, tin cậy giữa các bên; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982.
Tuyên bố chung cũng nêu rõ "các nước có yêu sách và các nước khác, bao gồm cả các nước được đề cập trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện các hành động có thể gây phức tạp hơn tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông”.
Trong thời gian qua, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Philippines đã đệ trình một số phản đối ngoại giao với các hành động "phi pháp" của Bắc Kinh, bao gồm việc cảnh sát biển Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân Philippines và đưa ra các lời thách thức qua vô tuyến đối với các máy bay đang tuần tra thường xuyên ở Biển Đông./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN