
Phe đảo chính Niger củng cố quyền lực bất chấp cảnh báo của ECOWAS
Cập nhật: 14/08/2023
Đằng sau công thức tính thuế gây “bão” toàn cầu của Tổng thống Trump
Phản ứng cứng rắn của ông Trump bất chấp các đòn trả đũa thuế quan
VOV.VN - Sau khi đảo chính quân sự nổ ra ở Niger, khối ECOWAS đã tung ra tuyên bố cứng rắn về can thiệp quân sự. Nhưng cho tới nay, chính quyền phe quân sự Niger vẫn nắm chắc các quân bài trong tay…
Một tuần sau hạn chốt tối hậu thư yêu cầu giới quân nhân Niger phục chức cho tổng thống bị lật đổ để tránh bị can thiệp quân sự, chính quyền quân sự của Niger vẫn không thoái bộ. Đồng thời từ bên ngoài chưa có hành động can thiệp quân sự nào nhằm vào Niger. Giới phân tích cho rằng các lãnh đạo đảo chính tại Niger đã giành thế thượng phong trước Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) - tổ chức đã đưa ra tối hậu thư với Niger.
Hôm 10/8, ECOWAS ra lệnh triển khai một lực lượng “dự phòng” nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Các nước Nigeria, Benin, Senegal và Bờ biển Ngà tuyên bố họ sẽ đóng góp quân cho lực lượng đó.
Nhưng vấn đề là không rõ khi nào và ở đâu lực lượng đó sẽ được triển khai. Động thái đó có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để khởi động. Một số nhà quan sát nhận xét, trong lúc khối ECOWAS quyết định sẽ làm gì thì chính quyền quân sự tại Niger đang gia tăng quyền lực.
Ulf Laessing, người đứng đầu chương trình Sahel tại Quỹ Konrad Adenauer (một dạng think tank) cho biết: “Trông như thể lực lượng đảo chính đã giành chiến thắng và sẽ ở lại. Phe đảo chính đang nắm mọi quân bài và củng cố sự thống trị của họ”.
Ông Laessing đánh giá: ECOWAS ít khả năng can thiệp về mặt quân sự và hứng chịu rủi ro kéo Niger vào một cuộc nội chiến. Thay vào đó, ECOWAS và các nước phương Tây sẽ gây sức ép lên chính quyền quân sự để buộc họ đồng ý với quá trình chuyển tiếp ngắn.
Theo Laessing, Mỹ và châu Âu sẽ ít lựa chọn ngoài việc công nhận chính quyền quân sự nhằm tiếp tục hợp tác an ninh trong khu vực.
Cuộc đảo chính ngày 26/7 được xem là một đòn mạnh giáng vào nhiều nước phương Tây, vốn xem Niger như một trong các đối tác cuối cùng của họ ở vùng Sahel (nam sa mạc Sahara) mà họ có thể hợp tác để trấn áp cuội nổi dậy thánh chiến có liên hệ với các nhóm khủng bố al-Qaeda và IS. Mỹ và Pháp có nhân lực quân sự hơn 2.500 người ở trong vùng. Hai nước này cùng với các nước châu Âu khác đã đầu tư hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự cho Niger.
Hiện nay vẫn mông lung thông tin về những gì sẽ xảy ra sau khi ECOWAS công bố triển khai lực lượng “dự phòng”.
Người ta đã hoãn vô thời hạn cuộc họp các lãnh đạo quốc phòng trong khu vực bàn về việc triển khai nói trên.
Nate Allen - phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, cho biết, việc cuộc họp các tư lệnh quốc phòng bị trì hoãn cho thấy ECOWAS coi sử dụng vũ lực như biện pháp cuối cùng.
Ông Allen nói: “Với các thách thức mà một cuộc can thiệp có thể đối mặt, việc sử dụng vũ lực đòi hỏi mức độ đồng thuận cao và sự phối hợp không chỉ bên trong ECOWAS mà còn bên trong Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế”.
Trong khi đó, những người có mối liên hệ với chính quyền quân sự nói rằng họ đang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Các quân nhân Niger không sẵn lòng đàm phàn trừ phi ECOWAS thừa nhận lãnh đạo của họ, tướng Abdourahmane Tchiani, là nhà lãnh đạo mới.
Insa Garba Saidou - nhà hoạt động địa phương hỗ trợ liên lạc cho chính quyền quân sự Niger, đánh giá: “ECOWAS đang yêu cầu chính quyền quân sự lập tức phóng thích và phục chức cho Tổng thống Bazoum. Nhưng dù ông Bazoum có từ chức hay không, ông sẽ không bao giờ trở thành tổng thống của Niger một lần nữa”.
Theo thời gian, người ta ngày càng quan ngại về sự an toàn của ông Bazoum, người đang bị quản thúc tại gia cùng vợ và con trai kể từ khi nổ ra đảo chính. Hai quan chức phương Tây nói với AP rằng chính quyền quân sự Niger thông báo cho một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ rằng họ sẽ lấy mạng vị tổng thống bị phế truất nếu các nước láng giềng nỗ lực can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực của cựu tổng thống.
Hôm 13/8, người dân diễu hành, cưỡi xe đạp và lái xe qua trung tâm Niamey, hô vang “đả đảo Pháp” và bày tỏ sự tức giận đối với ECOWAS.
Cư dân Saidou Issaka nói: “Chúng tôi rất vui đã có một cuộc đảo chính. Bây giờ người dân có thể ra đường mà không vấn đề gì. Nhưng nếu ECOWAS cho phép tấn công Niger, họ sẽ vượt qua lằn ranh đỏ”.
Trước đó, vào ngày 11/8 hàng trăm người dân vẫn cờ Nga, diễu hành hướng về căn cứ quân sự của Pháp, yêu cầu Pháp rời đi. Đầu tháng, trong chuyến thăm nước Mali láng giềng (cũng đang là chế độ quân sự), đại diện chính quyền quân sự Niger đã yêu cầu công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga hỗ trợ họ.
Boubacar Adamou, một thợ may ở thủ đô, cho hay ông đã may ít nhất 50 lá cờ Nga kể từ khi nổ ra đảo chính.
Trong khi đó, hầu hết người Niger vẫn đang cố gắng lo cho cuộc sống thường nhật bất kể cuộc đối giữa nhóm đảo chính và các nước trong khu vực.
Nhìn chung các con phố ở thủ đô Niamey của Niger vẫn yên tĩnh ngoại trừ thi thoảng có những nhóm biểu tình ủng hộ phe đảo chính. Trong khi đó, bất cứ cuộc biểu tình ủng hộ cựu tổng thống sẽ bị lực lượng an ninh giải tán nhanh chóng.
Nhiều người Niger không có thời gian dành cho biểu tình và họ tập trung vào việc nuôi sống gia đình. Quốc gia khoảng 25 triệu dân này là một trong các nước nghèo nhất thế giới và đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của ECOWAS.
Moussa Ahmed, một người bán lương thực tại Niamey, cho biết giá các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn và gạo đã tăng 20% kể từ khi đảo chính xảy ra và không có đủ điện để chạy tủ lạnh trong cửa hàng ông này. 90% sản lượng điện của Niger là từ nước láng giềng Nigeria, hiện đã cắt một phần nguồn cung cho Nigeria.
Từ khóa: phe, ecowas, phe đảo chính Niger, củng cố quyền lực, chính quyền quân sự Niger, khối ECOWAS, đảo chính quân sự, thế thương phong của lực lượng đảo chính, tình hình Niger, chính trường Niger, đối đầu phương Tây, nước ngoài can thiệp vào Niger, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi, đảo chính thắng thế
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: trung hiếu/vov.vn biên dịch
Nguồn tin: VOVVN