Phát triển văn hoá: Điểm nghẽn nào cần tháo gỡ?
Cập nhật: 17/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở rất quan trọng, song theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách và nguồn lực cần được tháo gỡ để giải phóng sức sáng tạo.
Đây là nội dung được đặt ra thẳng thắn tại cuộc trao đổi, thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, diễn ra ngày 17/12 tại Bắc Ninh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý để giải phóng sức sáng tạo
Khẳng định Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở rất quan trọng, song theo GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách và nguồn lực cần được tháo gỡ.
Cụ thể là việc thể chế hoá chủ trương về phát triển công nghiệp văn hoá còn chậm, nhiều lúng túng, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ. Dẫn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm, bà cho biết hiện nay chỉ mới được điều chỉnh bằng nghị định. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến 2015 ban hành pháp lệnh, 2020 có luật về lĩnh vực này nhưng đến nay vẫn chưa có.
Hay quảng cáo mang lại lợi nhuận rất lớn nhưng Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chỉ mới quan tâm đến các phương thức quảng cáo truyền thống và đến nay có nhiều nội dung lạc hậu khi quảng cáo chuyển sang nền tảng internet, nền tảng số đến khoảng 70%. Đáng chú ý, nguồn lợi lớn đó lại rơi vào nhà cung cấp nước ngoài. Do đó cần sửa những quy định liên quan.
Thủ công mỹ nghệ được coi là nghành kinh tế mũi nhọn, xuất khẩu đến 163 nước, đáp ứng 10% nhu cầu toàn cầu nhưng hiện có tình trạng phát triển tự phát, manh mún, thậm chí dẫm chân lên nhau, làm khó nhau ngay cả ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Bên cạnh đó là một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác cần được đồng bộ hoá để tạo hệ sinh thái phát triển, từ đầu tư, môi trường, thuế, thương mại, công nghệ thông tư...
Nhấn mạnh việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, bà Từ Thị Loan đồng tình với nguyên tắc cái gì pháp luật không cấm thì công dân có quyền làm, ai vi phạm thì bị xử lý, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra để giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, sản xuất văn hoá. Bên cạnh đó cần quan tâm đến 3 nguồn lực cơ bản là nhân lực, tài lực, vật lực.
“Không nơi nào tìm được tác phẩm của các tác giả nổi tiếng dễ như ở Việt Nam mà giá chỉ chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu triệu đồng; băng đĩa lậu thì hoành hành. Như thế không thể tạo được thị trường lành mạnh” – bà Loan nói.
Trao đổi tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết Luật Điện ảnh (sửa đổi) ra đời vào tháng 6/2022 có nhiều tiến bộ, cập nhật nhiều phương pháp quản lý mới cũng như kinh nghiệm của thế giới và châu Á để tháo gỡ vướng, huy động nguồn lực phát triển điển ảnh Việt Nam.
“Một trong những điểm mới đó là giảm bớt tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm. Song đây chỉ là phương pháp làm sao quản lý tốt hệ thống phim và mỗi hình thức có quản lý khác nhau phù hợp thực tế; bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm” – ông Tạ Quang Đông nói.
Cũng liên quan vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá là lĩnh vực đặc biệt tinh thế, nhạy cảm trong đời sống xã hội nên mỗi can thiệp phải tính toán kỹ lưỡng, trong đó có “tiền kiểm” và “hậu kiểm”.
Theo ông, xu thế chung là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm vì nó phù hợp với bối cảnh chung của đời sống KT-XH và sức sáng tạo văn hoá vô cùng lớn nên cần cơ chế thúc đẩy phát triển. Điều đó không có nghĩa là không có tiền kiểm, mà thông qua các quy định để các văn nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm phù hợp với xã hội.
Đánh đồng tiêu chí thì khó giữ bản sắc
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đồng tình với đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, theo ông trong quy hoạch chi tiết cần thêm quan tâm đến thẩm mỹ nông thôn.
“Thành tựu còn thiên về lượng, sắp tới cần nghiên cứu về chất. Thẩm mỹ đường làng, ngõ xóm, cây xanh, dòng chảy tuy đơn đơn giản nhưng hình thành tình làng, nghĩa xóm. Phần lớn bản sắc Việt Nam nằm ở nông thôn và mỗi vùng nông thôn có hương sắc riêng” – ông Hạo phân tích, đồng thời cho rằng không nên áp mô hình thiết kế điển hình cho tất cả các vùng, đơn cử như mẫu nhà.
Phân tích rõ thêm vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Trâm – Viện trưởng Nghiên cứu văn hoá (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, qua thực hiện đề tài liên quan văn hoá trong xây dựng nông thôn mới thì nhận thấy rõ hạn chế khi áp dụng bộ tiêu chí chung cho các cộng đồng.
“Áp dụng 1 tiêu chí “3 cứng” thì các ngôi nhà truyền thống mang theo tri thức bản địa, dân gian, tộc người có nguy cơ biến mất dần. Như ngôi nhà trình tường ấm vào đông, mát vào hè, gắn văn hoá bản địa nhưng dần bị xoá bỏ vì không hợp tiêu chí. Hay tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp” khiến những bức tường đá truyền thống đẹp bị phá hoặc sơn chồng lên cho “sáng” – bà Châm cảnh báo sự tiếc nuối khi nhìn về văn hoá nông thôn trước nguy cơ tri thức bản địa chầm chậm mất đi.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ông đã đi tham quan nhiều nơi về thực hiện nông thôn mới, có bí thư xã dẫn đi một vòng và nói: “Bộ trưởng thấy chưa, quê em giờ như Hà Nội”.
“Như Hà Nội thì người Hà Nội về đây làm gì nữa! Ta đang lẫn lộn, chuẩn văn hoá bị lệch thì các thứ khác lệch theo, tiêu chí cũng theo 1 chiều. Do đó cần điều chỉnh lại để sau này không phải thốt lên hai từ “giá như!” – ông Lê Minh Hoan nói.
Đề cập văn hoá dân gian, bà Từ Thị Loan khẳng định văn hoá dân gian tiếp tục phát huy vai trò nguồn lực, đóng góp nhiều vào phát triển bền vững. Như lễ hội đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở địa phương, bên cạnh đó giáo dục truyền thống, giữ gìn văn hoá bản sắc, cố kết cộng đồng.
“Tri thức bản dịa vẫn phát huy giá trị” – bà Loan nhấn mạnh và dẫn chứng đóng góp ở lĩnh vực y học dân tộc, y học cổ truyền, ngành nghề truyền thống, ẩm thực....
Nền tảng xuyên biên giới không phải thích làm gì thì làm
Trong tham luận gửi tới hội thảo, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung có nhiều quan điểm thẳng thắn về thực trạng âm nhạc nước nhà. Lý giải về điều này tại toạ đàm, ông chia sẻ, bản thân tham gia trong ngành nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo, được đi xem, giao lưu, hợp tác nước ngoài nhiều thì thấy cần có góc nhìn, đánh giá từ góc độ bên ngoài.
Vị nhạc sĩ này cho rằng việc xuất khẩu âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn gần như không có. Điều đó dẫn tới năng lực sáng tạo, đánh giá năng lực sáng tạo của chúng ta đôi khi chủ quan vì không có nhìn nhận của đối tác bên ngoài, khó xây dựng sản phẩm mang tính nghệ thuật đỉnh cao.
“Một trong những điều đang trở thành thói quen là đầu tư thời gian, nguồn lực, tập trung sáng tạo sản phẩm nghệ thuật quá ít so vơi thế giới, nên khó xây dựng tác phẩm, sản phẩm âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao có thể cạnh tranh. Từ đó cũng khiến năng lực sáng tạo hạn chế, nền âm nhạc, biểu diễn chưa đủ mạnh nên khó chống chọi trước sự xâm nhập văn hoá, lai căng. Do đó cần đánh giá thực trạng một cách công bằng và tỉnh táo” – ông Quốc Trung nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện tại có thể khẳng định một điều rằng việc ứng xử, xử lý với các nền tảng xuyên biên giới không còn khó khăn vì chúng ta đã có sự thay đổi nhận thức, ý chí và thể chế, chính sách.
“Không chủ trương chống tuyệt đối, vì nếu quyết thì 30 phút sau không còn Facebook, Youtube ở Việt Nam, nhưng đây là tiến bộ công nghệ nên phải “gạn đục khơi trong”. Khó là kéo các bộ ngành, toàn xã hội cùng làm để nhận thức đâu là độc hại, là rác để ứng xử phù hợp, từ người sử dụng mạng xã hội cho đến tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước” – ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Khẳng định những thành tích trong ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng mạng xã hội những năm qua, tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng phải chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không phải để rác lên mạng rồi mới dọn dẹp. Và muốn làm tốt việc đó, trước tiên phải thay đổi tập quán.
“Hiện chưa kiểm soát được tập quán chia sẻ thông tin của nền tảng xuyên biên giới. Có cơ sở nghĩ rằng một số nền tảng khi vào Việt Nam thì điều chỉnh tập quán, gợi ý nội dung nhảm nhí, nhiều tin giả, xấu độc. Cần thêm thời gian để khẳng định việc này để có giải pháp” – ông Nguyễn Thanh Lâm phân tích và cho biết, tới đây quy định mới có hiệu lực sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, mọi ứng dụng, gợi ý phải phù hợp với pháp luật Việt Nam để từ đó xây dựng văn hoá lành mạnh, tiến bộ./.
Từ khóa: Hội thảo văn hoá 2022, bản sắc văn hoá Việt Nam
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN