Phát triển Đông Nam Bộ: Cần cải thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Cập nhật: 16/11/2022
VOV.VN - Nghẽn về thể chế, nghẽn cả về chiến lược phát triển là những tồn tại cố hữu, kéo dài đang kìm nén sự phát triển của Vùng.
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu xây dựng Vùng kinh tế phát triển có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong phát huy tính năng động, sáng tạo của “miền Đông gian lao mà anh dũng” để Vùng trở thành một hình mẫu tiêu biểu. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài phát huy tính tự lực tự cường thì những điểm nghẽn về thể chế, chiến lược phát triển, kết nối giao thông, tư duy phát triển vùng… cần sớm được tháo gỡ. Loạt hai bài: Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ của cơ quan thường trú tại TP.HCM sẽ nêu lên những vấn đề này. VOV đăng bài 1 với nhan đề: “Cải thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền”:
Cải thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Nghẽn về thể chế, nghẽn cả về chiến lược phát triển là những tồn tại cố hữu, kéo dài đang kìm nén sự phát triển của Vùng mà ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nêu lên tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam tổ chức tại TP.HCM cách đây 4 tháng.
Những con số như: Đóng góp 44,7% tổng thu ngân sách của cả nước, chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội, thu hút 41,1% tổng vốn FDI của cả nước cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của Đông Nam Bộ trong chiến lược phát triển của đất nước. Song đó chỉ là mảnh ghép rời rạc của kết quả phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, vai trò tổng thể của Vùng hết sức mờ nhạt.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, với tất cả thể chế và kế hoạch hiện nay, thì địa phương phải lo cho địa phương của họ là đúng.
"Chúng ta không thể trách địa phương được, bởi vì tất cả chi tiêu tổng sản phẩm nội địa đầu tư ngân sách thu ngân sách đều giao cho tỉnh, kể cả phân bổ vốn đầu tư" - ông Lịch nhấn mạnh.
Không chỉ nghẽn do thể chế, chiến lược phát triển, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị còn chỉ ra những hạn chế trong liên kết vùng, đó là cơ chế chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực, phân cấp phân quyền trong quản lý chưa tạo được sự chủ động cho địa phương, năng lực quản lý bộ máy, năng lực cán bộ, đặc biệt là cấp cơ sở về quản trị xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu khiến vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Xác định vị trí chiến lược quan trọng của Đông Nam Bộ trong phát triển chung của đất nước, Nghị quyết 24 đặt ra nhiệm vụ xây dựng Vùng để tạo ra những đột phá, lan toả mối liên kết liên Vùng, là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Nhưng để làm được điều này, rất cần một cơ chế để Vùng phát triển.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn – Đại học Mở TP.HCM, ưu tiên hàng đầu là đồng bộ hóa hệ thống luật lệ, từ đó cải tiến, đẩy nhanh cơ chế ra quyết định trong việc thông qua các chương trình hành động. Trên cơ sở này, Chính phủ tạo điều kiện mạnh mẽ hơn cho các địa phương và vùng Đông Nam Bộ quyết định triển khai thực hiện các chương trình, dự án, bao gồm cả tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón đầu cơ hội chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Âu và Đông Bắc Á xuống khu vực Đông Nam Á đang diễn ra. Lúc này, Chính phủ sẽ đóng vai trò hậu kiểm sao cho tinh gọn, nhanh chóng và hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm: "Cần có một Ban Chỉ Đạo phát triển vùng Đông Nam Bộ để chỉ đạo thống nhất vấn đề hậu kiểm nhanh gọn, hiệu quả và trình lên Chính phủ giải quyết kịp thời những vấn đề lớn cần tháo gỡ trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ".
Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, vai trò của ban chỉ đạo Vùng, Chủ tịch Hội đồng Vùng chưa được phát huy. Ban Chỉ đạo chỉ có vai trò đề xuất cơ chế chính sách và giúp Thủ tướng mà không có quyền quản lý điều hành trực tiếp hoạt động của các địa phương trong Vùng. Hội đồng Vùng chỉ là một cấp hành chính trung gian không có quyền đủ mạnh để đảm bảo buộc các tỉnh, thành phố phải tuân thủ. Bởi vậy, với một ban chỉ đạo vùng Đông Nam Bộ được thành lập, rất cần được phân quyền để tự quyết định, tự chịu trách nhiệm dưới sự điều hành của Trung ương.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Bình Dương Nguyễn Quang Huân cho rằng: "Ta lấy một hình ảnh giống như dàn giao hưởng. Mình tập trung quá về Trung ương thì mất sự chủ động của địa phương, nhưng nếu địa phương hoạt động đơn lẻ không có sự kết nối thì giống như nhạc công chơi hay nhưng mà không phối khí được với nhau để thành bản giao hưởng. Có lẽ Chính phủ sẽ nghiên cứu. Hiện nay đang có hai xu hướng, một là TP.HCM, hoặc là một Phó Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo".
Tăng tính chủ động của địa phương
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kế thừa, bổ sung quan điểm của Nghị quyết 53 cùng những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới nhằm khơi thông các nguồn lực để phát triển Vùng. Để phát huy tính tự lực tự cường của “miền Đông gian lao mà anh dũng”, luôn là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước trong suốt 35 năm đổi mới trong xây dựng Vùng, chúng ta cần tăng tính chủ động cho địa phương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phân tích, với vùng đặc thù như Đông Nam Bộ trong phân cấp phân quyền phải dựa trên quy mô kinh tế và mật độ dân số. Phân cấp quản lý phải có sự khu biệt giữa vùng nông thôn, vùng đô thị, vùng trung tâm kinh tế phát triển, vùng kinh tế ít phát triển. Một vấn đề trong phân cấp, phân quyền hiện nay đối với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là hai đô thị lớn: TP.HCM và Bình Dương đang có cào bằng nên tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước chưa được phát huy. Khi bộ máy hành chính Nhà nước không quản trị được xã hội thì hệ lụy kéo theo là tệ nạn quan liêu và cản trở sự phát triển.
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng cũng cho rằng, cần điều tiết lại ngân sách phù hợp để tạo điều kiện vùng Đông Nam Bộ phát triển: "Với điều kiện kinh tế văn hóa như vậy thì nguồn chi của địa phương lớn lắm. Vì vậy phải điều tiết lại để sắp xếp để họ chi để họ đủ tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng, một cơ chế về lương bổng, một cơ chế về chi thu của một địa phương có những điều kiện kinh tế lớn nó phải khác so với các địa phương khác. Vì thế phải có quy hoạch vùng, quy hoạch cả nước sau đó quy hoạch vùng, sau đó mới quy hoạch địa phương. Và trên cơ sở quy hoạch đó thì mới tính đến chuyện cấp phát ngân sách. Như vậy thì mới giải quyết được vấn đề hài hòa."
Không chỉ tháo gỡ về thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền và điều tiết ngân sách phù hợp để vùng Đông Nam Bộ phát triển đúng với mục tiêu đề ra mà cần phải thay đổi tư duy trong liên kết nội vùng, liên kết vùng, xây dựng hạ tầng giao thông. Việc thay đổi tư duy bắt đầu từ quy hoạch vùng, từ đó để phát huy thế mạnh của từng địa phương, để các địa phương trong Vùng cùng nhau đi xa hơn trong mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Vấn đề này sẽ được nêu trong bài 2 của loạt bài Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ./.
Từ khóa: tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ, tháo gỡ điểm nghẽn, Bộ Chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN