Phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng mới cho nền kinh tế biển
Cập nhật: 24/09/2020
VOV.VN - Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới nhận định, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.
Với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 Km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.
Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi đồng thời đưa ra lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam, nhất là khi Quy hoạch điện VIII phác họa lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Phát biểu tại Hội nghị Đề xuất lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam diễn ra ngày 23/9, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương xây dựng.
“Bộ Công Thương nhận thấy tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm 7 GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số 7 GW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT”, ông Dũng cho hay.
Theo Cục Năng lượng Đan Mạch và WB, sau khi nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã đưa ra mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện tiên quyết để chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.
Đặc biệt, khung pháp lý phù hợp và Hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa để bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam.
Chỉ định một cơ quan của chính phủ làm đầu mối duy nhất và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định. Đồng thời cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.
Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.
“Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn”, ông Kim Hojlund Christensen khuyến nghị.
Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck bổ sung: “Tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất, khi chỉ cần một tua bin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. “Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian, các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng”, ông Anton Beck nhìn nhận.
Đánh giá của ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Hạ tầng và Điều phối viên Năng lượng thuộc WB cũng chỉ rõ, thời gian qua WB đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích kinh tế của điện gió ngoài khơi. Các nghiên cứu này cho thấy, những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10 GW vào năm 2030. “Điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII của Việt Nam”, ông này đề xuất.
Còn Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện gió toàn cầu Ben Backwell lại nhận định, Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang thu hút cũng như cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này.
“Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Ben Backwell nêu ý kiến./.
Hiệp hội Điện gió toàn cầu:
Hiện nay, ngành điện gió ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn, sự quan tâm của các nhà đầu tư bị trì hoãn trong năm 2020 cộng thêm với sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu và tỷ lệ CAPEX kém thuận lợi tại các khu vực dành cho các dự án điện gió mới, đặc biệt là xung quanh ĐBSCL. Bài toán về đầu tư cho các dự án điện gió ở Việt Nam sẽ chịu thách thức đáng kể nếu không có một kế hoạch về biểu giá FiT minh bạch và thỏa đáng được công bố trong thời gian sớm nhất./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN