Phát huy vai trò kinh tế hợp tác xã ở vùng đồng bào Chăm

Cập nhật: 23/03/2021

VOV.VN - Nhờ chuyển đổi mô hình và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều HTX ở Ninh Thuận đã giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.

Hợp tác xã giúp nâng cao thu nhập

Được thành lập vào năm 2016, ban đầu chỉ có 13 thành viên với số vốn hơn 100 triệu đồng nhưng đến nay, doanh thu của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã lên đến hơn 3 tỷ đồng/năm. HTX đã tạo việc làm cho gần 250 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người dân tộc Chăm, thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng mỗi tháng. Thành công này có được chính là từ việc HTX đã vận động thành viên chuyển 53 ha rau màu sang trồng măng tây xanh và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Ông Lộ Trung Tài là một trong 64 xã viên của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được HTX hướng dẫn sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa măng tây xanh vào hệ thống các siêu thị. Chỉ trồng 5 sào măng tây xanh nhưng mỗi ngày, gia đình ông Tài đã thu được 50 kg măng tây, với giá 50.000 đồng/kg, ông lãi được khoảng 50 triệu đồng/tháng.

“Hồi trước khi chưa vào HTX, bà con làm ăn nông nghiệp giá cả không ổn định, thương lái ép giá, từ ngày vào HTX, có liên kết với công ty để bao tiêu sản phẩm giá cả ổn định và còn giúp đỡ bà con đến khâu giống, khâu chăm sóc rồi đến kỹ thuật áp dụng mô hình mới”, ông Lộ Trung Tài nói.

Năm 2020, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đạt sản lượng 50 tấn măng tây xanh. Sản phẩm măng tây xanh của HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg. Những hộ trồng măng tây như bà Kiều Thị Thuyền ở xã An Hải, huyện Ninh Phước giờ đây không lo về đầu ra mà chỉ tập trung vào việc sản xuất.

“HTX có giá rất ổn định để bà con làm ăn, kinh tế cũng cải thiện đáng kể. Làm măng tây rất đạt và có hiệu quả, HTX đã hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình tôi nuôi con ăn học ra trường, cải thiện gia đình ổn định hơn nên tôi rất yên tâm”, bà Kiều Thị Thuyền cho hay.

Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận chuyên về sản xuất lúa giống, măng tây xanh, nho, táo, chăn nuôi, kinh doanh gia súc, gia cầm... HTX thu hút 20 xã viên, trong đó nhiều xã viên là người Chăm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động; thu nhập bình quân hộ thành viên đạt trên 10 triệu đồng/tháng.

“Tất cả mô hình đều hỗ trợ người nông dân mang lại lợi ích rất thiết thực. Hiện nay, giá và giống cây măng tây chi phí cao. Nhà nước hỗ trợ 40%, đa phần nông dân, bà con có đất nhưng trồng măng tây đầu tư thấp nhất 40 triệu/sào. Được sự hỗ trợ của Nhà nước giúp bà con về cây giống, một phần vật tư thì đem lại hiệu quả rất là tích cực. So với các loại cây, không cây nào qua măng tây. Với cây măng tây thì có tiền thu nhập hàng ngày”, ông Thái Bá Trung, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải, Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.

Góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Đây là hai điển hình trong số 57 hợp tác xã vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 67% tổng số hợp tác xã trong tỉnh Ninh Thuận. Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, huyện có 19 HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX kiểu mới. Các HTX đều được củng cố hoạt động, phát triển đa dạng về hình thức và qui mô, góp phần không nhỏ trong nâng cao thu nhập cho nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

“Huyện Ninh Phước là huyện đầu tiên của tỉnh được đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có đóng góp của các HTX, tăng thu nhập cho các thành viên, cộng đồng trên địa bàn. Qua đó, góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong các tiêu chí  xây dựng nông thôn mới”, ông Châu Tấn Đạt, Phó Phòng Kế hoạch Tài Chính huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đánh giá.

Các HTX đã góp phần tích cực trong chuyển đổi mô hình, tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân, tạo điều kiện để các xã đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. HTX đã giúp bà con xã viên từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp họ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác và làm giàu trên những vùng đất thiếu mưa, thừa nắng./.

Từ khóa: HTX nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, măng tây xanh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập