Phật dạy 4 nỗi khổ lớn nhất đời người, ai cũng nên biết để sống an nhiên tự tại

Cập nhật: 28/09/2020

VOV.VN - Đức Phật dạy rằng: “Đạo không nằm trên bầu trời, đạo nằm trong tim” và chỉ có người nào nhận thức được về mình thì người đó mới thức tỉnh.

Phiền muộn, nỗi buồn của con người bắt nguồn từ những khó khăn của cuộc sống và tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau. Khổ được biểu hiện qua phần thân và tâm. Cơ thể đau nhức là nỗi khổ ở thân thể, tâm đau khổ do cảm giác bất mãn, phiền muộn, buồn rầu, lo lắng. Dưới đây là 4 nỗi khổ lớn nhất đời người theo lời dạy của Đức Phật, ai cũng nên biết để có thể sống an nhiên, tự tại cả đời:

1. Không nhìn thấu chính mình

Người ta cứ tưởng bản thân mình hiểu mình rõ nhất, thực ra là hoàn toàn trái lại. Nhìn thấu phần sâu thẳm nhất của sinh mệnh cá nhân vốn là điều khó khăn nhất.

Không nhìn thấy được bản thân mình lạc trong vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương của mình sau mỗi lần tranh đấu, không nhìn thấy nơi yên tĩnh ở phía sau sự sầm uất vô vị, chính là một nỗi khổ lớn của đời người.

2. Không biết buông bỏ

Đời người cũng tựa như một căn phòng. Người bi quan nhìn vào thì thấy bên trong tối om, người trầm lặng thì thấy tĩnh mịch, người ưu sầu thì chỉ đứng bên ngoài chẳng bước vào, đứng bên ngoài và muốn trải nghiệm cảm giác của gió tuyết, mưa rơi.

Bất kỳ ai cũng có những nỗi buồn đau ẩn chứa, những nỗi thống khổ không thể nói nên lời. Chỉ cần bạn luôn nhớ rằng:

Khi lạnh hãy mặc thêm áo khoác.

Khi đói hãy mua cho mình một chiếc bánh.

Khi đau đớn hãy tự cho mình thêm một chút kiên cường.

Khi thất bại hãy nhìn về phía trước, quãng đường còn xa, gian khó còn nhiều và bạn không thể ngừng lại chỉ vì một lần vấp ngã.

Buông bỏ ở đây không phải về vật chất, bạc tiền mà là cái tâm sầu não, phiền muộn. Nếu bạn không thể buông bỏ được chúng, những loại nghi tâm ấy dần dần sẽ đầu độc tâm hồn bạn, khiến bạn chẳng có ngày nào yên bình.

Buông bỏ cũng là cách mà Phật gia giảng để con người có thể rũ sạch trần ai, trở về với bản tính thuần hậu, lương thiện nhất của mình. Không thể buông xả cũng giống như người lữ hành đi đường vạn dặm mà trên lưng vẫn cõng theo cả một tảng đá nặng.

Mấy ai đong đếm được đau khổ trên đời, mấy ai biết được mình bị bao nhiêu thương tổn? Nếu nước mắt không đọng lại trên gương mặt thì không ai biết được nó lạnh giá đến chừng nào. Nếu cái đau đớn không nằm trên thân thể thì chẳng thể biết nó khó chịu ra sao.

3. Tiếc nuối quá khứ

Người ta rất dễ bị quá khứ đeo đuổi, nhất là khi nhìn lại những ngày tươi đẹp từng có. Ta luyến tiếc kỷ niệm dù kỷ niệm chỉ còn như sương khói, luyến tiếc những điều chưa thể làm dù chẳng còn cơ hội. Ta luyến tiếc danh tiếng, những tiếng vỗ tay đắc thắng dù nó chỉ là thứ hư vinh.

Sống trong luyến tiếc, cả đời sẽ không yên. Ngày hôm qua chỉ là một cơn mưa, mưa mãi rồi cũng tạnh. Ngày hôm qua cũng chỉ là cuốn phim, xem qua rồi cũng hết. Còn luyến lưu nghĩa là còn một ngày day dứt. Mãi luyến tiếc quá khứ chính là phủ một lớp mây mù ảm đạm lên chính hiện tại và tương lai của bạn.

4. Không thể đứng dậy sau thất bại

Vấp ngã rồi nằm mãi ở nơi đó than thân trách phận, bạn đang đợi ai đến dang tay cứu giúp đây? Cuộc đời là do chính bạn quyết định, con đường là do chính bạn đi. Nếu không biết đứng dậy thì cũng đừng hy vọng đi cho tốt quãng đời phía trước vốn đầy hứa hẹn.

Cuộc sống ai mà chưa từng thất bại, nhưng nếu thất bại mà lại gục ngã, không thể đứng dậy được thì phần đời còn lại có lẽ chỉ là những lời than trách mà thôi.

Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, sống cách đây gần 2000 năm có một câu tâm đắc thế này: “Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh”. Nói được câu đó ra là không hề đơn giản. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cũng từng bại trận rất nhiều, có lúc chỉ còn vài binh tốt, thất thểu, khổ cực không sao kể xiết. Thế nhưng sau mỗi lần bại trận ông đều vực dậy rất nhanh, hoàn toàn không day dứt, oán trách, chỉ nhìn về phía trước, nỗ lực không ngừng, bù đắp cho thất bại bằng ý chí của bậc quân tử không nản lòng.

Cuối cùng, thời Tam Quốc, thiên hạ chia ba, Tào Tháo đã chiếm hai phần, hoàn thành bá nghiệp, cuối đời làm đến vương công, vô cùng hiển hách. Bài học “Thắng không kiêu, bại không nản” ấy chính là còn nguyên ý nghĩa suốt ngàn thu.

Cuộc đời là do chính bạn quyết định, con đường là do chính bạn đi. Nếu không biết đứng dậy thì cũng đừng hy vọng đi cho tốt quãng đời phía trước vốn đầy hứa hẹn./.

Từ khóa:

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập