Phải xác định rõ vai trò của Hội đồng Kỹ năng ngành
Cập nhật: 05/10/2022
[VOV2] - Ngày 5/10, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Chương trình “Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam II” tổ chức hội thảo “Sự tham gia của các bên liên quan trong Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển Kỹ năng”.
Hội thảo "Sự tham gia của các bên liên quan trong Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển Kỹ năng” nhằm cập nhật các chiến lược, chính sách quan trọng và định hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới với các đối tác phát triển, trong đó tập trung trao đổi về mô hình hội đồng kỹ năng ngành và các mô hình tương tự của các nước, qua đó khuyến nghị đối với mô hình Hội đồng kỹ năng ngành tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang đẩy nhanh hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt, ban hành một số văn bản quan trọng trong năm 2022 như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn và một văn bản hết sức quan trọng là Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…
“Trong 8 nhóm giải pháp phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới, giải pháp đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được tập trung ưu tiên triển khai sớm”, TS. Phạm Vũ Quốc Bình khẳng định.
(TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Thực tế trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động. Tuy nhiên, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thừa nhận việc dự báo nhu cầu nhân lực và sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với Doanh nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế.
"Một trong những giải pháp để khắc phục những bất cập trong đào tạo nghề là thành lập các Hội đồng Kỹ năng ngành hay Hội đồng tư vấn Kỹ năng nghề. Mặc dù Hội đồng này đã được Luật hóa trong Bộ Luật lao động nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả. Do vậy, phải làm rõ tiếng nói của Doanh nghiệp trong Hội đồng kỹ năng ngành như thế nào? Vai trò của Hội đồng Kỹ năng nghề đối với cơ quan quản lý ra sao?", ông Bình chia sẻ.
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 30%; Trong đó thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030 một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%...
Ông Santiago Alonzo Rodriguez, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức đánh giá cao Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, trong đó triển khai khung trình độ quốc gia, các tiêu chuẩn nghề nghiệp dựa trên các khung trình độ Asean và Châu Âu.
“Các tiêu chuẩn quốc gia thống nhất sẽ đảm bảo chất lượng của công tác giáo dục nghề nghiệp và tăng cường sự tin cậy của khu vực doanh nghiệp vào năng lực của sinh viên. Một hệ thống giáo dục nghề nghiệp dựa trên nhu cầu là nhân tố quan trọng đảm bảo thành công và có được một lực lượng lao động có kỹ năng cao”, Ông Santiago Alonzo Rodriguez nói.
Hội thảo "Sự tham gia của các bên liên quan trong Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển Kỹ năng” nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10/2022).
Từ khóa: Kỹ năng nghề, lao động, nhân lực, giáo dục nghề nghiệp, Đại sứ quán Đức, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2