Pác Bó - nơi tạo nền móng vững chắc cho cách mạng Việt Nam
Cập nhật: 25/01/2021
Hải quân Hoàng gia Campuchia thăm, chúc Tết Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
VOV.VN - Pác Bó là nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Bác Hồ chọn vị trí này rất đắc địa trong cả nghệ thuật quân sự cũng như trong lãnh đạo cách mạng.
Ngày 25/1, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Tỉnh Cao Bằng) diễn ra Hội thảo khoa học Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941-28/1/2021). Sự kiện do Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội phối hợp Ban Quản lý các Khu di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm con đường giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã về nước và chọn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi dừng chân đầu tiên. Từ tháng 1/1941 đến tháng 3/1942, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng, hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược của Cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ độc lập giải phóng dân tộc. Cũng tại Pác Bó, Người đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, ra Báo Việt Nam độc lập, thành lập đội du kích đầu tiên của Cao Bằng…
Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập Mặt trận Việt Minh và triển khai thí điểm ngay tại địa phương cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén của Bác với sự phát triển của cách mạng.
"Lần đầu tiên khi có Mặt trận Việt Minh, chúng ta đã có hệ thống tổ chức từ Tổng bộ Việt Minh đến tận cơ sở huyện, xã... Chính tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã được biến thành một tổ chức cụ thể như vậy, trở thành đòn bẩy quan trọng để Đảng tập hợp nhân dân, tập hợp lực lượng. Tư tưởng lớn nhất là một tổ chức, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng đường lối do Đảng vạch ra, đến hôm nay vẫn nguyên giá trị. Hiện vai trò của Mặt trận ngày càng đi vào cuộc sống, chính nhờ có Mặt trận đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong mặt trận ngày càng trở thành bộ phận quan trọng để Đảng gắn bó với dân, dân gắn với Đảng"- TS Chu Đức Tính cho biết.
Hơn 50 tham luận luận của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo khẳng định ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh xuyên suốt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng, bảo vệ tổ quốc sau này. Đại tá Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long tham dự hội thảo khẳng định: Những hoạt động của Bác ở Pác Bó đã bắt đầu tạo nền móng vững chắc cho cách mạng Việt Nam nói chung và cho nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng.
"Pác Bó là nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Bác Hồ chọn vị trí này rất đắc địa trong cả nghệ thuật quân sự cũng như trong lãnh đạo cách mạng. Vùng đất, con người Pác Bó có thể như cầu nối truyền tải những nghệ thuật quân sự người chuyển đến các vùng miền khác. Chúng tôi luôn ghi nhớ đây là một dấu son, nền móng để các cán bộ, chiến sỹ phát huy tư tưởng quân sự của người trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như trong quá trình giáo dục, rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam"- Đại tá Nguyễn Thị Kim Loan cho biết.
Cũng tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã phân tích để nêu bật vị trí, tầm quan trọng của Pác Bó trong những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Bác. Ông Nông Hải Pín, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục quyết định đường lối cách mạng Việt Nam chúng ta tiến lên thời kỳ đổi mới, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với Cao Bằng là quê hương thứ hai của Bác, chúng tôi luôn hướng về Đại hội, sẵn sàng tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đại hội.
"Nhân dân rất phấn khởi, háo hứng đón nghị quyết mới, tinh thần mới của Đại hội đi vào cuộc sống. Với di tích Pác Bó và các di tích khác, đây là những di tích rất quan trọng của Bác tại Cao Bằng, do đó chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ, phát huy giá trị di tích này"- ông Nông Hải Pín cho biết.
Rất đông các chuyên gia, cán bộ đang công tác trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng cũng bày tỏ quan điểm về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trong thời gian tới.
"Sau chuyến đi này, chắc chắn tôi dạy sử sẽ hay hơn, xúc động hơn, thuyết phục hơn khi nói về Bác Hồ. Tôi sẽ nói với các em rằng, Pác Bó là nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam, đó chính là nơi Nguyễn Ái Quốc đã chọn để hoạt động, để sống, làm việc và chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và những chặng đường thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam sau này"- Thạc sỹ Trần Trung Hiếu đến từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cũng đã mở gian trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh, sách báo liên quan đến những năm tháng hoạt động của Bác tại Cao Bằng cũng như tình cảm của Người với đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ đại biểu và du khách tham quan./.
Từ khóa: Pác Bó, cách mạng, Bác Hồ về nước, Cao Bằng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN