Ông Hoàng Bình Quân đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng

Cập nhật: 03/02/2021

VOV.VN - Theo Trưởng Ban Đối ngoại trung ương, “đẩy mạnh song phương và nâng tầm đa phương là định hướng đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới”.

Thông tin tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 1 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 3/2, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, cho biết, tới đây, toàn bộ văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được dịch sang 7 thứ tiếng, gửi đến bạn bè quốc tế để tham khảo.

Về chủ trương, chính sách đối ngoại, Trưởng ban Đối ngoại trung ương cho biết, Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, Trưởng ban Đối ngoại trung ương cho biết, về tổng thể, Đại hội XIII đã đưa ra chủ trương triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đầu tiên là nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc. Thứ hai là xác định mục tiêu của đối ngoại là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, huy động được nguồn lực bên ngoài để phát triển, tạo uy tín của Đảng và đất nước.

Một điểm rất mới và đặc biệt quan trọng là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo vệ đất nước, để bảo vệ từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; đồng thời xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, bao gồm: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, ngoại giao nghị viện. 4 lĩnh vực ngoại giao này như 4 “bánh xe” của cỗ xe đối ngoại Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để cỗ xe tiến về phía trước. Có thể hiểu, ngoại giao toàn diện là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao quốc phòng an ninh, ngoại giao văn hóa.

“Đẩy mạnh song phương và nâng tầm đa phương là định hướng đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới”.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh như vậy và cho biết, đẩy mạnh song phương là nỗ lực nâng cao tính hiệu quả, tính thực chất, chiều sâu trong quan hệ với các đối tác chúng ta đã xây dựng được, đặc biệt là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Nâng tầm đa phương là làm sao phát huy tối đa vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương với 2 mục tiêu: Khai thác tốt các cơ chế đa phương để phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc, trong đó để cho bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ hơn về Việt Nam và ủng hộ các chủ trương, chính sách, lập trường của ta xung quanh vấn đề lợi ích: chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia, tôn giáo, nhân quyền, người Việt ở nước ngoài, môi trường, an ninh phi truyền thống…; Không chỉ tích cực tham gia các cơ chế đa phương mà phải chủ động trong các cơ chế này, thậm chí không chỉ tham gia các sáng kiến mà phải đề ra các sáng kiến, cao hơn nữa là dẫn dắt. “Chúng ta phải có đóng góp xứng với cái tên của mình”, ông Quân nhấn mạnh.

Thực hiện coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, tích cực, trách nhiệm với ASEAN và xây dựng cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Bảo vệ đất nước với tinh thần tăng cường quan hệ quốc tế về quốc phòng, an ninh. Cùng với đó vẫn kiên trì chính sách “3 không” nhưng cũng sẵn sàng hợp tác để làm sao kết hợp bảo vệ đất nước, đóng góp vai trò của Việt Nam vào việc xây dựng môi trường hòa bình, tiến bộ trên thế giới, đồng thời đấu tranh làm thất bại các âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, chia rẽ, tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giải quyết tốt vấn đề an ninh trên biển, trên không ở Biển Đông.

Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, chủ động đóng góp trong xây dựng những định hình của thể chế đa phương và trật tự quốc tế./.

Từ khóa: đối ngoại Việt Nam, Hoàng Bình Quân, Đại hội XIII, Đại hội Đảng

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập