Ông chủ WeChat bất ngờ sản xuất chip
Cập nhật: 04/11/2021
VOV.VN - "Gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings vừa chính thức gia nhập thị trường bán dẫn với việc giới thiệu 3 chip đầu tiên do họ phát triển.
Được biết đến nhiều nhất với trò chơi máy tính và ứng dụng truyền thông xã hội WeChat, Tencent đã và đang đều đặn đầu tư vào hoạt động R&D chất bán dẫn cùng với các công ty công nghệ Trung Quốc khác. Đẻ chứng minh thành công của mình, hôm 3/11, Tencent đã cung cấp cái nhìn sơ lược hiếm hoi trước công chúng về các sáng kiến Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của mình trong lĩnh vực phát triển và đầu tư chip bán dẫn.
Tang Daosheng, một lãnh đạo của Tencent cho biết công ty đã có kế hoạch dài hạn và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chip. Vị lãnh đạo này cho rằng, đây là thị trường có nhu cầu kinh doanh mạnh mẽ, vì vậy công ty cần có những chiến lược đón đầu tốt nhất có thể.
Nhằm chứng minh thành công của mình, Phó chủ tịch điều hành cấp cao kiêm CEO nhóm công nghiệp điện toán đám mây và thông minh của Tencent này nhấn mạnh ba con chip mới do công ty phát triển. Trong số này, một con chip dành cho điện toán AI (trí tuệ nhân tạo) được gọi là Zixiao, một chip khác được dùng để xử lý video gọi là Canghai, và một chip dành cho mạng hiệu suất cao được gọi là Xuanling.
Bên cạnh các chip mới, Tencent cũng đã công bố hệ điều hành đám mây Orca của mình. Tuy nhiên, chi tiết về hệ điều hành này vẫn chưa được nêu rõ.
Việc Tencent công bố gia nhập thị trường bán dẫn diễn ra không lâu sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd công bố chip máy chủ mới dành cho các trung tâm dữ liệu vào tháng trước. Được biết, Alibaba chính là đối thủ của Tencent trên thị trường điện toán đám mây tại Trung Quốc.
Ngoài ra, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là Xiaomi mới đây cũng đã công bố chip Surge 1 để xử lý hình ảnh trong camera điện thoại vào năm nay. Chip này dự kiến sẽ vận hành trên các smartphone của công ty trong tương lai không xa nhằm tối ưu hóa trải nghiệm nhiếp ảnh di động.
Được biết, những nỗ lực này của Tencent sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, vốn đã trở thành điểm mấu chốt gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang tỏ ra tụt hậu rất nhiều so với Mỹ, vì vậy chính phủ nước này muốn thúc đẩy các công ty công nghệ trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp này./.
Từ khóa: Tencent, WeChat, chip bán dẫn, Trung Quốc
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN