“Ơn Đức Sinh Thành” - Lời tri ân chân thành dành cho cha mẹ
Cập nhật: 11/01/2021
VOV.VN - Chương trình nghệ thuật “Ơn Đức Sinh Thành” đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là sự tri ân chân thành, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha, của mẹ.
Tối 29/12, tại Hà Nội Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức Chương trình nghệ thuật “Ơn Đức Sinh Thành”; trao giải Cuộc thi sáng tác và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dân gian chủ đề "Công cha, Nghĩa mẹ" do Đài truyền hình kỹ thuật số VTC phát động trong năm 2020.
Chương trình nghệ thuật “Ơn Đức Sinh Thành” với nhiều tình cảm xúc động, có sự góp mặt của những sáng tác mới từ cuộc thi đã truyền tải đến khán giả một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là sự tri ân chân thành, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha, của mẹ trong những ngày cuối năm. Những ca khúc hướng về gia đình, mong ước một cái Tết đoàn viên, sum vầy và cầu chúc sức khỏe của con cháu tới cha, mẹ sau 1 năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Xuyên suốt chương trình nghệ thuật “Ơn Đức Sinh Thành”, khán giả đã được theo dõi các tiết mục đặc sắc, ca gợi tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình yêu quê hương cội nguồn. Một số ca khúc tiêu biểu như: Mẹ yêu con (nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý), Huyền thoại mẹ (nhạc sỹ Trịnh Công Sơn), Mùa Vu Lan nhớ mẹ, Ba kể con nghe, Bao la lòng mẹ; Dân ca Nghệ Tĩnh; Bèo dạt mây trôi... Đáng chú ý là ca khúc “Món quà tặng cha” của Tập đoàn Tân Hiệp Phát do đoàn nghệ thuật UNESCO thể hiện với âm hưởng rộn ràng của mùa Xuân, là lời tri ân sâu sắc đến đấng sinh thành đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng.
Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, xuất phát từ sự kính trọng, tình yêu thương và lòng biết ơn đấng sinh thành và cũng xuất phát từ tình cảm, quý trọng và yêu thích âm nhạc dân gian Việt Nam gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ngay khi Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức phát động, đài được nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các ca sỹ, soạn giả.
“Ban Tổ chức đã nhận được 70 tác phẩm với nhiều thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc, như là nghệ thuật cải lương, chèo, dân ca quan họ... Một số tác phẩm đã được biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành” sẽ là những tác phẩm được bổ sung vào vốn âm nhạc dân gian của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Bình thông tin.
Cũng tại chương trình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ sự biết ơn và gửi lời cảm ơn đến toàn bộ thành viên trong đại gia đình Tân Hiệp Phát, những người đã luôn đoàn kết, gắn bó cùng tập đoàn đi qua những thách thức trong quá trình phát triển.
Nói về ơn đức sinh thành, bà Trần Uyên Phương xúc động chia sẻ: Dù đi đâu hay ở đâu đi chăng nữa, cha mẹ vẫn luôn dành cho con cái tình yêu thương vô bờ bến. Mỗi người trong chúng ta khi nghĩ về cha mẹ cũng đều dành hết tình yêu thương, kính trọng nhất. Chủ đề của chương trình năm nay hướng về gia đình chính là lời tri ân để gửi đến mỗi gia đình lời chúc sức khỏe, yên vui cùng những người thân dịp Tết đến, Xuân về.
“Gia đình lớn Tân Hiệp Phát dường như chiếm trọn tâm trí và tâm huyết của các thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Dịp Tết, gia đình Dr Thanh thường nấu nhiều món ruốc – món đặc trưng của người miền Nam để tặng cho toàn bộ Cán bộ CNV, coi đó là món quà của gia đình các “sếp” gửi đến mọi người trong tập đoàn. Đây là hoạt động thường niên vô cùng ý nghĩ và mọi người đều cảm thấy ấm áp, đoàn kết yêu thương gắn bó với nhau hơn”, bà Trần Uyên Phương tâm sự.
Chia sẻ tình cảm của mình đối với người cha đáng kính, bà Trần Uyên Phương thổ lộ, được sinh ra trong một gia đình đã là hạnh phúc, nhưng làm việc được với nhau thì cần có sự nỗ lực hay nói đúng ra đó chính là một “hồng ân”. Bởi khi những thành viên trong gia đình phải hiểu nhau, làm việc cùng nhau với tinh thần chung mới có thể tổ chức tốt và hoàn thành các mục tiêu.
“Sẽ rất khó cho 1 DN với vài ngàn nhân viên phải đoán ý sếp này như thế nào, sếp kia ra sao, như vậy rất khó làm việc. Nếu ai đó không thể tách biệt được khi nào cần phải tương tác với 1 người có quá nhiều vai trò đối với mình, đặc biệt là khi người đó lúc ở trong vai trò là lãnh đạo, lúc ở vị thế là người cha đáng kính sẽ rất khó để phát triển, cũng như khó chịu trách nhiệm cho bản thân mình cũng như công việc của mình. Do đó, trong gia đình Dr Thanh đã có chương trình đào tạo từng cá nhân để có thể đồng thuận và làm việc được với nhau”, Trần Uyên Phương thổ lộ.
Nhiều người cho rằng, khi làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp trên, lại là người cha của mình sẽ có tâm lý nể nang, thiếu quyết đoán, nhưng đối với bà Trần Uyên Phương ở Tân Hiệp Phát lại cho rằng, khi bản thân là 1 người lãnh đạo và phải tương tác với sếp - lại chính là người cha của mình lại luôn cần phải làm cho mọi thứ rõ ràng nhất, để các nhân viên khác biết mục đích công việc và hành động ra sao với quyết định cuối cùng. “Bất cứ khi nào có bất đồng ý kiến, tôi và cha phải tranh luận cho đến cùng để đưa ra quyết định chuẩn xác nhất”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ./.
Từ khóa: Ơn đức sinh thành, tân hiệp phát, trần uyên phương, chương trình nghệ thuật, công cha nghĩa mẹ
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN