"Ôm khoanh trời cũ" và "Lovecover: ": Những trưng bày và săp đặt tại Manzi

Cập nhật: 28/10/2021

(VOV5) -Những tác phẩm sơn mài tĩnh vật của Nguyễn Tuấn Cường đẫm chất thơ, giàu tính tự sự.

Triển lãm ‘Ôm Khoanh Trời Cũ’tại Manzi art space, 14 Phan Huy Ích, Ba Đình từ nay đến hết tháng 11 gồm loạt tranh sơn mài mới nhất của họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường, tiếp nối series tranh tĩnh vật đặc trưng của anh.

Vẫn đậm chất thơ, giàu tính tự sự, tuy vậy, các tác phẩm lần này của Cường dường như vượt ra vẻ kín đáo và bình lặng quen thuộc, trở nên thách thức nhiều hơn, khám phá mối tương quan trong không-thời gian và suy ngẫm về những hiện diện - vắng mặt, về hình và về bóng.

Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Cường sinh năm 1978 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2001 chuyên ngành Hội họa Sơn mài, Cường miệt mài đeo đuổi chất liệu truyền thống này và dần khẳng định được mình như một trong những nghệ sĩ sơn mài xuất sắc của Việt Nam hiện nay.

Nghệ sĩ sơn mài Oanh Phi Phi nhận xét:“Với tranh của Nguyễn Tuấn Cường, ta thấy mình được đặt vào một không gian mờ tối, trầm lặng nhưng không tịch mịch. Rồi từ trong bầu không khí kín đáo, riêng tư nhưng rất đỗi dịu dàng ấy, các hình dáng dường như lộ ra, vừa đủ tỏ tường để lọt vào tầm mắt, nhưng cũng đồng thời giấu lại, chìm trong khoảng bóng nửa tối (penumbra) của Sơn ta, không gian ngưỡng giữa phần được chiếu sáng và phần bóng tối hoàn toàn.

Những tầng, những lớp sơn then và sơn cánh gián phủ dày, sậm lại, mở ra cả một khoảng không rất sâu và thẫm. Đặt vào trong sự thăm thẳm đó lại là vài ba món đồ vật. Quá tĩnh lặng và bé nhỏ, chúng chỉ ở đó, đơn thuần để vạch cho rõ khoảng không trống rỗng bao quanh chúng, và neo giữ ánh nhìn của ta tránh khỏi bị lạc trôi đi mất.

Những món đồ gia dụng quen thuộc như bát, lọ, bình, hay đèn dầu, những vật dụng đã tồn tại cả nghìn đời ấy như kéo ta ngược thời gian, trở về thời quá vãng xa xôi nay chỉ còn được gợi nhắc qua vài tục lệ cổ và truyện kể truyền miệng”

Ngoài việc tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, Nguyễn Tuấn Cường cũng có mặt trong nhiều triển lãm quốc tế tại Pháp, Anh, Trung Quốc, Thụy Sĩ.

Còn tại Manzi exhibition space, từ 29/10 đến hết ngày 25/11 là trưng bày cá nhân Lovecore của AP Nguyễn, nghệ sĩ thuộc Chương trình Nghệ sĩ Lưu trú của Manzi năm 2020. Giám tuyển Bill Nguyễn giới thiệu: “Tại trưng bày ‘Lovecore’ của nghệ sĩ AP Nguyễn, một ý vị vừa ngọt ngào đáng yêu, vừa bối rối lạ lẫm cũng xuất hiện. AP mời gọi và chào đón người xem tiến vào kho báu cá nhân mà cô đã tích lũy nhiều năm qua.”

“Hòn non bộ. Áo dài. Vịnh Hạ Long. Đồ bikini. Karaoke. ‘Việt Nam Quê Hương Tôi’. Xuất hiện trong trưng bày này là những chi tiết thị giác và văn bản (hay chính xác hơn là những đối tượng nghệ thuật mà nghệ sĩ khảo cứu, chất vấn), được lựa chọn từ dự án vẫn đang tiếp tục của AP, bắt đầu từ 2017 - thời điểm cô rời Việt Nam để ra nước ngoài học tập và sinh sống. Hấp thu song đôi hai nền văn hóa, bị thu hút bởi xu hướng thẩm mỹ ‘kitsch’ và ‘camp’, đồng thời say mê tất cả những gì tạm gọi là “quốc hồn quốc túy Việt Nam”, nghệ thuật của AP nằm giữa ký ức cá nhân và tưởng tượng tập thể.”...

“Vay mượn từ các hiện tượng văn hóa đại chúng, tận dụng thứ thẩm mỹ đại trà và sản xuất hàng loạt, khai thác hệ thống các biểu tượng đã bị “xào nấu” đến sáo mòn, AP vui đùa và giễu nhại trong và với chính sáng tác của mình. Cô phá bỏ những quy ước, những mong đợi vốn định sẵn nơi các đồ vật và hình ảnh quen thuộc kia, bằng việc thay đổi đặc tính và chức năng của chúng, hoặc thông qua việc đan cài, lồng ghép vào đó những phản tư cá nhân, tự truyện và trải nghiệm riêng tư. Vì lẽ đó, tác phẩm của cô đùa giỡn với những gì ta nghĩ rằng ta biết.” - Bill Nguyễn khẳng định.

Hai sự kiện thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi do Viện Goethe hỗ trợ.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Ôm Khoanh Trời Cũ , sơn mài tĩnh vật, Nguyễn Tuấn Cường, Manzi, Viện Goethe, Lovecore, AP Nguyễn

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập