Nông sản hữu cơ gia tăng giá trị cho miền núi Khánh Hòa
Cập nhật: 1 ngày trước
Điện thương phẩm tháng 10/2024 của EVNNPC tăng gần 4%
Quốc hội đồng ý chuyển hơn 110.600 tỷ đồng sang chi trả lương cơ sở năm 2025
VOV.VN - Vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển các loại nông sản có giá trị cao như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát, măng cụt... Lợi thế của người đi sau, nông dân các địa phương này đang chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ, gia tăng giá trị, phát triển bền vững.
Từ 10 năm nay, cây bưởi da xanh bén rễ, phát huy hiệu quả tại vùng đất miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Bưởi da xanh được người dân trồng tại vùng đất bằng phẳng, ven sông cho năng suất cao, thơm, ngon, thanh dịu. Từ những hộ người Kinh canh tác hiệu quả, nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglay mạnh dạn đưa cây trồng mới vào vườn nhà mình. Những vườn bưởi xanh tốt đã thay thế những cây trồng truyền thống như sắn, ngô, lúa rẫy...
Bà Cao Thị Thịnh, ở xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, gia đình trồng 5 sào bưởi, mỗi năm thu được 100 triệu đồng: "Thấy người ta trồng bưởi, mình có sẵn đất bằng phẳng, mình mua giống cây bưởi về trồng. Lần đầu làm nên chưa biết, Hội Nông dân xã hướng dẫn, tập huấn, đưa nhân viên kỹ thuật về chỉ cho chúng tôi về chăm sóc, phun thuốc. Đất đồi sẽ trồng keo, đất bằng phẳng phía dưới làm vườn. Trồng bưởi đỡ vất vả hơn làm rẫy, có đồng ra, đồng vào. Hiện nay, gia đình đã hết cận nghèo".
Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc vụ sầu riêng năm 2024. Các giống sầu riêng như Monthong, Ri6, Chín Hóa khi trồng ở đây đều cho quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu... nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Năm nay, sầu riêng đem về nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng cho người dân miền núi Khánh Hòa. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sầu riêng Khánh Sơn còn được cấp mã số vùng trồng, xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhiều hộ dân đã chuyên nghiệp hóa canh tác khi áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng thân thiện môi trường.
Ông Mai Văn Khang, ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, người đầu tiên trồng cà phê, sau đó chuyển đổi sang cây sầu riêng với tổng diện tích 10 héc ta, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm: "Nông sản phải được xuất khẩu chính ngạch, sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Từ những chuyện như mã vùng, OCOP, VietGap... phải đáp ứng đầy đủ giấy tờ. Qua đó, giúp nông sản của nông dân không bị đánh giá là hàng trôi nổi, xuất khẩu Trung Quốc phải có mã vùng. Hàng muốn sạch phải làm đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cơm sầu riêng Khánh Sơn, phải chăm sóc thôi".
Gần đây, người trồng sầu riêng ở miền núi Khánh Hòa có xu hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ, giảm dần thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp. Người trồng còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ lên kế hoạch chăm sóc để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước. Ông Nguyễn Quốc Huy, kỹ thuật viên trang trại sầu riêng rộng 5 héc ta tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn cho biết: "Công việc được quản lý qua phần mềm ứng dụng hết, xây dựng quy trình sẵn, đến lịch phần mềm sẽ nhắc trước. Không sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc cỏ nhiều, giúp bảo tồn hệ sinh vật dưới đất, côn trùng trong vườn của mình. Chính côn trùng đó là thiên địch của những loài gây hại, hạn chế can thiệp thuốc hóa học nhưng vẫn giữ được lá".
Cùng với thế mạnh nông nghiệp, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng phát triển mạnh, hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến tham quan địa phương. Do đó, nhu cầu về nông sản chất lượng để phục vụ cho du khách rất lớn. Xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội tỉnh là thị trường, nhiều dư địa cho nông sản hữu cơ phát triển. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang ưu tiên phát triển theo hướng hữu cơ các loài nông sản như: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tỏi Ninh Hòa.
Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương phối hợp các doanh nghiệp tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hội chợ, giao lưu, diễn đàn, lễ hội gắn với thương mại du lịch; hỗ trợ xây dựng, thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ nông sản miền núi. Đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập huấn phát triển kỹ năng bán hàng cho bà con...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, các giải pháp đồng bộ sẽ giúp "khơi thông dòng chảy" bền vững cho nông sản hữu cơ tại miền núi: "Các địa phương đã tổ chức các hội chợ nông sản hữu cơ. Kết nối được tiêu thụ, khi sản phẩm của người dân làm ra đem lại giá trị cao, đương nhiên người dân sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia. Đó là tất yếu. Vấn đề ở đây là phải đi theo ra quy trình, sản xuất theo chuỗi bài bản. Người đứng ra tổ chức chuỗi đó phải đảm bảo sản phẩm đầu ra được ổn định về giá cả".
Từ khóa: Khánh Hòa, nông sản,miền núi,sầu riêng,sầu riêng khánh hòa, nông sản hữu cơ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thái bình/ vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN