Nông dân Hậu Giang vẫn lo dù được hứa thu mua hết mía
Cập nhật: 25/09/2019
“Cơn sốt” Bitcoin chưa dừng lại, các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED
Meey Map Ver 3.0: Thêm nhiều tính năng mới cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt
VOV.VN - Dù đã tháng 9, nhưng hiện tại người trồng mía tại Hậu Giang vẫn chưa thể bước vào thu hoạch mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Ở các niên vụ mía trước, vào thời điểm đầu hoặc giữa tháng 9 là người trồng mía đã thu hoạch bán cho nhà máy. Nhưng ở niên vụ mía này, hiện tại người trồng mía tại Hậu Giang vẫn chưa thể bước vào thu hoạch mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Nỗi lo về đầu ra của cây mía, về giá cả, cách thức thu mua mía đang đè nặng lên vai người trồng nơi đây.
Gần một đời người gắn bó với cây mía, nhưng chưa có năm nào ông Trần Văn Duyên, 75 tuổi ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng huyện Phụng Hiệp lại lo lắng như năm nay.
Mía đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có người thu mua. |
Nếu như mọi năm thì thời điểm này, thương lái đã vào tận nhà liên hệ để thu mua mía. Năm nay, thực hiện theo chính sách của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đưa ra là thu mua trực tiếp với người nông dân nhưng đến tận bây giờ chưa thấy ai đến hỏi han chuyện thu mua mía, mặc dù 1 ha mía của ông đã đến thời điểm thu hoạch.
Theo ông Duyên: "Bây giờ không thấy ai hay thương lái nào vào mua mìa. Tôi cũng không biết bán cho ai rồi mướn ai thu gom. Mía 1 ha là cả mấy trăm tấn nên sao có thể ăn cho hết, lúa thì còn dự trữ lại cao giá bán được, còn như mía này tới thời điểm phải bán, không bán là ngập lụt hư hại”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mới đây về vấn đề tiêu thụ mía, ông Lê Hồng Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho biết: Hiện nay chưa tiến hành thu mua mía cũng như đưa Nhà máy đường Phụng Hiệp đi vào hoạt động trong ngày 15/9 như dự kiến là do thời điểm này, mía chưa đạt chữ đường cao, nếu thu hoạch sớm sẽ gây thiệt hại cho người trồng mía.
Theo đó, Công ty sẽ tính toán lại sản lượng mía chín sớm, lên kế hoạch thu hoạch cụ thể từng vùng, từng thời điểm và Nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào đầu tháng 10 tới.
Nông dân âu lo sẽ nếm thêm một mùa mía đắng. |
Hiện vùng ĐBSCL có ba nhà máy đường hoạt động, gồm: Nhà máy đường Phụng Hiệp, Nhà máy đường Sóc Trăng và Nhà máy đường Trà Vinh, với tổng công suất ép 1,5 triệu tấn mía, trong khi lượng mía nguyên liệu trong vùng năm nay giảm đáng kể, chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất ép của các nhà máy. Chính vì vậy, không có lý do gì khi Nhà máy đường thiếu nguyên liệu, Công ty lại không thu mua mía của người dân. Công ty cam kết sẽ thu mua hết mía của nông dân Hậu Giang.
Ông Lê Hồng Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho biết thêm: "Tôi cam kết với Lãnh đạo tỉnh là mua hết mía của dân, chứ không có nghĩa là không ký hợp đồng là không mua của dân. Chúng tôi sẽ không để nông dân Hậu Giang bỏ một cây mía ở ngoài ruộng. Tôi cam kết với mọi người như thế. Muốn hay không muốn sang tháng 10 là cũng phải sản xuất”.
Mặc dù Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cam kết sẽ thu mua hết mía của dân. Tuy nhiên, với giá sàn thu mua mà Công ty Casuco đưa ra là 700 đồng/kg tại ruộng đối với mía đạt 10 chữ đường, khiến cho người trồng mía lo lắng sẽ tiếp tục nếm thêm một vụ mía đắng.
Lãnh đạo Casuco cam kết sẽ thu mua hết mía của nông dân Hậu Giang. |
Trước thực trạng này, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn cập nhật những khó khăn của nông dân trong vụ mía này để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời và sẽ có những chính sách mới trong những vụ mía tới để người nông dân gắn bó với cây mía.
"Casuco cũng đang xây dựng những chính sách mới để áp dụng cho niên vụ mía 2020- 2021 trở về sau. Ví dụ như là Công ty sẽ cung cấp giống và phân bón không tính lãi suất cho người nông dân; cái thứ hai là hỗ trợ người nông dân trong chặt, đốn và đặc biệt sẽ nghiên cứu, tính toán cái giá mua để đảm bảo người trồng mía có cái yên tâm mà tiếp tục trồng mía trong cái giai đoạn tới" -ông Trương Cảnh Tuyên chỉ rõ.
Có thời điểm tổng diện tích mía ở Hậu Giang phát triển lên đến hơn 15.000 ngàn ha. Tuy nhiên những vụ mía thua lỗ liên tiếp đã khiến người dân nơi đây không còn mặn mà với cây trồng này nên diện tích mía đã sụt giảm đáng kể. Ở vụ mía này, toàn tỉnh chỉ còn hơn 8.000 ha. Nếu năm nay tiếp tục nếm vị đắng từ cây mía thì chắc chắn những vụ mía tới sẽ có thêm nhiều nông dân quay lưng với cây mía./.
Chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao
Từ khóa: thu mua mía, giá mía, trồng mía, hậu giang, sản xuất mía đường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN