Nông dân Hậu Giang nuôi ong thụ phấn cho dưa

Cập nhật: 21/06/2020

VOV.VN - Nhờ áp dụng mô hình nuôi ong thụ phấn cho dưa, thu nhập của người nông dân miền Tây đã tăng lên đáng kể.

Đối với ông Võ Văn Trưng (ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thì nuôi ong mật để lấy mật chỉ là việc phụ, còn việc chính là để chúng đi thụ phấn cho những ruộng dưa lưới của mình. Từ khi áp dụng mô hình độc đáo này, thu nhập của người nông dân miền Tây đã tăng lên đáng kể.

ĐBSCL giữa mùa hạn mặn gay gắt, buổi trưa trời nóng như đổ lửa, vậy mà khi bước vào bên trong nhà lưới để tham quan vườn dưa lưới của ông Võ Văn Trưng, ai cũng thấy mát mắt, dịu lòng bởi màu xanh bát ngát của hàng ngàn cây dưa đang vươn dây, xòe lá, bung những nụ hoa vàng rực rỡ. Càng thích thú hơn khi bắt gặp vô số con ong mật đang nhởn nhơ bay từ nụ hoa này sang nụ hoa khác để hút mật, thụ phấn cho dưa.

nong dan hau giang nuoi ong thu phan cho dua hinh 1
Nhưng cây dưa lưới trong nhà lưới đang trong thời điểm nở hoa

Ông Trưng kể, trước đây, để thụ phấn cho dưa lưới, ông phải làm thủ công bằng cách thuê mướn nhân công dùng phấn nhụy hoa đực úp nụ lên hoa cái. Cách làm này vừa tốn thời gian, nhân lực, vừa không đảm bảo kịp trong kỳ hạn hoa nở, dẫn đến vườn dưa lưới khả năng đậu trái thấp và trái không đều. Sau đó, trong quá trình trồng trọt, quan sát thấy trong tự nhiên ong mật có thể thụ phấn cho hoa, nên ông Trưng đã đi tìm bắt về nuôi, rồi thả vào trong nhà lưới để chúng thụ phấn cho vườn dưa lưới của mình. Tuy nhiên, ở những lần thử nghiệm đầu đều không mang lại hiệu quả cao do đàn ong mà ông Trưng nuôi là ong bản địa ít hoạt động nên khả năng thụ phấn không cao.

Không bỏ cuộc, ông Trưng quay sang tìm hiểu thêm về nhiều loài ong khác. Khi phát hiện ở Đồng Tháp có nuôi một loài ong mật nhập ngoại rất xuyên vận động, ông Trưng đã lặn lội sang đây tìm mua về để tiếp tục thử nghiệm trên vườn dưa lưới và ông đã thành công. Cây dưa lưới gieo khoảng 20-25 ngày thì ra hoa, vào thời điểm này cũng là lúc ông Trưng mang các tổ ong vào trong nhà lưới để ong tự bay đi thụ phấn cho dưa.

nong dan hau giang nuoi ong thu phan cho dua hinh 2
Ong đang hút mật, thụ phấn

“Sau khi mình thấy các bông nở thì mình đưa tổ ong vô nhà lưới là tự động con ong bay đi hút mật. Trong quá trình hút mật chính là thụ phấn cho những bông của mình. Ong thụ phấn trong vòng 4 ngày là tất cả các bông hoa trong vườn dưa lưới của mình sẽ đậu trái hết, tỷ lệ đạt rất cao, gần 100%. Thường lúc trước mình thụ tay đạt khoảng 85% đậu trái”, ông Trưng nói.

Với một công dưa lưới trồng khoảng 2.500 dây chỉ cần 2 tổ ong mật thụ phấn trong 4 ngày là xong, muốn rút ngắn thời gian thụ phấn thì tăng số lượng tổ ong lên. Ông Trưng cho biết, nếu thụ phấn theo kiểu cũ thì khi thu hoạch năng suất dưa lưới chỉ đạt từ 2,5 - 3 tấn/công, còn cho ong mật thụ phấn thì năng suất đạt gần 3,5 tấn/công, trái dưa cũng to đồng đều hơn trước. Trước đây, mỗi vụ dưa lưới ông Trưng phải thuê mướn nhân công thụ phấn cho dưa theo phương pháp thủ công với chi phí 2 triệu đồng/công, thì bây giờ ong thụ phấn nên không tốn chi phí cho công đoạn này nữa.

“Nếu có điều kiện thì tự mình nuôi, còn không có điều kiện thì đi mua ở chỗ người ta chuyên nuôi sẵn về ong mật, mình mua về để thụ phấn cho dưa. Hợp tác xã có kế hoạch sẽ tự nuôi ong mật để tự thụ phấn cho tất cả các vườn dưa của Hợp tác xã mình, đồng thời có cái lợi ích là thu được cái mật ong nguyên chất từ tổ ong”, ông Trưng cho hay.

nong dan hau giang nuoi ong thu phan cho dua hinh 3
Ông Võ Văn Trưng bên vườn dưa lưới sắp thu hoạch

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, cách đây gần 5 năm, ông Võ Văn Trưng cũng là nông dân đầu tiên ở tỉnh Hậu Giang đưa cây dưa lưới vào trồng trong nhà lưới và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Những năm gần đây, ở vùng ĐBSCL hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp nên mô hình này vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn được côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể các khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, mặt khác những trái dưa lưới không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại, quan trọng nhất là tiết kiệm được hơn 80% lượng nước so với cách tưới truyền thống. Giờ đây, với phương pháp thụ phấn cho dưa lưới bằng đàn ong mật, ông Trưng tiếp tục giảm được giá thành sản xuất, nâng thêm thu nhập.

“Anh Trưng đã tìm tòi, học hỏi nhiều nơi và sau đó áp dụng thành công mô hình nuôi ong để tự thụ phấn cho cây dưa lưới. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, địa phương cố gắng hỗ trợ cho nông dân để có thể ứng dụng tối đa các mô hình mới, các mô hình ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng trong thời gian tới đưa ra được sản phẩm sạch”, ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm.

Trước đây, với hơn 8 công đất luân phiên trồng 4 vụ dưa lưới trong nhà lưới, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, ông Trưng đã đứng ra thành lập Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát với 12 thành viên, canh tác gần 2 hecta dưa lưới trong nhà lưới. Mỗi tháng, Hợp tác xã của ông cung cấp cho thị trường, nhất là các siêu thị trong nước hơn 15 tấn dưa sạch, với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Hiện Hợp tác xã của ông đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu./.

Từ khóa: nuôi ong thụ phấn cho dưa, nuôi ong, dưa lưới, ong mật, tiêu chuẩn GlobalGAP

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập