Nói lái – Một loại hình ngôn ngữ đặc sắc của người Việt

Cập nhật: 08/08/2022

[VOV2] - “Con chi ở ngay bàn Thánh/ tụng kinh rồi búng cánh bay lên”, “Cái chi hình dáng tròn tròn/Cung tay đấm gãy, chẳng còn hình dung?” Những câu đố này dựa trên lối nói lái, một loại hình ngôn ngữ đặc sắc của người Việt.

 

Thú chơi chữ trong tiếng Việt là một trò chơi trí tuệ được ông cha ta sử dụng để truyền tải những tâm tư, tình cảm, ước mơ vào những câu đố, những vế đối … thật dí dỏm và phong phú! Thường đằng sau những câu chữ ấy ẩn hiện những sự vật, sự việc gắn liền với đời sống của người nông dân xưa, cả những lời trêu trọc, hay phê phán nhẹ nhàng…, nhưng trên hết vẫn là những tiếng cười thật sảng khoái, TS Đỗ Anh Vũ chia sẻ trong chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Về loại hình ngôn ngữ nói lái, theo TS Đỗ Anh Vũ đây là một thủ pháp ngôn từ trong hệ thống chơi chữ của người Việt, một trong những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, có thể gọi là cách phái sinh những biểu thức ngôn ngữ. Điều này nghĩa là nói lái tạo ra nhiều cách đọc khác nhau trên cùng một biểu thức ngôn ngữ, gây nên những sắc thái khác biệt, với ý đồ, hay cách hiểu khác nhau,.. và trên hết nó có thể tạo ra những tiếng cười sảng khoái! Tuy nhiên đôi khi nó cũng có những ý phê phán xã hội hoặc cá nhân nào đó!

Về các loại nói lái, TS Đỗ Anh Vũ cho biết có hai kiểu cơ bản, thứ nhất là nói lái về thanh điệu, chẳng hạn như là cây còn thì nói lái thành con cày. Kiểu thứ hai là đảo phần vần của hai từ đi liền nhau, chẳng hạn như là thầy giáo - tháo giầy. Đây cũng là kiểu nói lái khá phổ biến. Ngoài hai kiểu nói lái cơ bản này, còn có những kiểu nói lái được tạo nên từ sự phái sinh nhỏ lẻ khác nữa, nhưng ít hơn. Chẳng hạn như là bút danh Khái Hưng thì nói lái theo kiểu đảo chữ sẽ tạo nên từ Khánh Dư. Đây cũng là một kiểu chơi chữ nói lái.

Ví dụ như câu: “Con chi ở ngay bàn Thánh, tụng kinh rồi búng cánh bay lên./Con trích mái đậu trên, nhưng chửa chắc cho nên hỏi thử.” có sử dụng lối nói lái.

TS Đỗ Anh Vũ giải thích, đây là một câu đố khá thú vị trong dân gian! Vế thứ nhất “con chi ở ngày bàn thánh, tụng kinh rồi búng cánh bay lên!”, thoạt nghe qua, ta có thể lầm tưởng là nói về một con gì đó, chẳng hạn như con ruồi, con muỗi… nhưng trong trường hợp này hai chữ quan trọng lại là “búng cánh” và có thể nói lái là “bánh cúng”. Đây chính là cách nói lái theo nguyên tắc đảo phần vần.

Ở câu tiếp theo “Con trích mái đậu trên, nhưng chửa chắc cho nên hỏi thử”. Theo TS Đỗ Anh Vũ, ở đây "trích mái" là cách nói lái của trái mít. Đây là kiểu nói lái gần âm, vì nếu nói lái đúng hai đơn vị này thì phải thành trái mích. Tuy nhiên mích với mít gần âm với nhau và rất có thể một số vùng phương ngữ nào đấy người ta nói trái mích. Câu đố này ngụ ý  là để nói về việc nhà đang có 2 món một là bánh cúng và hai là trái mít.

Về ý nghĩa của một câu đố theo lối nói lái rất ngắn gọn : “Ở trong nhà cô ra cô nảy”, TS Đỗ Anh Vũ phân tích đây cũng là một câu chơi chữ lắt léo. Ý nghĩa đố nằm chủ yếu ở hai chữ cuối cùng “cô nẩy” và được nói lái là “cây nổ”.

Cây nổ là một loại cây mà có lẽ các bạn trẻ hiện nay ít biết đến. Cây nổ còn có tên là cây quả nổ, dân gian thường gọi là sâm tanh tách! Loại cây rất hay được dùng trong đông y, làm mát gan, giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. TS Đỗ Anh Vũ cho biết đặc điểm của cây này là khi quả chín sẽ bị nổ ra, hoặc nếu đem thả quả vào nước thì nó cũng sẽ phát ra tiếng nổ lép bép, và hoa của nó thì rất là đẹp mầu xanh tím, quả khi chín thì lại có màu đen.

Thính giả Nguyễn Thị Bích Liên ở Hà Nội thắc mắc về câu “Cái chi hình dáng tròn tròn/Cung tay đấm gãy, chẳng còn hình dung?”

Theo TS Đỗ Anh Vũ thoạt tiên khi đọc “cái chi hình dáng tròn tròn cung tay đấm gãy chẳng còn hình dung” rất có thể nhiều người sẽ liên tưởng một thứ gì đó hình dáng tròn tròn. Trong trường hợp này nếu đọc kỹ câu thứ hai, ta sẽ phát hiện ra hai từ rất quan trọng, đó là “đấm gãy”, nói lái thành “đẫy gấm”. TS Đỗ Anh Vũ giải thích thêm đẫy là một đồ dùng hầu như hiện nay chỉ xuất hiện nhiều trong tài liệu văn bản cũ. Đây là một vật dụng may bằng vải, giống như là cái túi, cái bị, hoặc là tay nải. Và thường được người xưa dùng để đựng đồ mang theo khi đi chợ hoặc di chuyển trên một quãng đường.

 

Từ khóa: TS Đỗ Anh Vũ, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nói lái, nghệ thuật, biện pháp, phê phán, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập