Những tiếng chổi tre đêm mùa Covid
Cập nhật: 20/04/2020
Châu Thành điểm sáng trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại Sóc Trăng
Cục Hàng không chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn bay dịp Tết 2025
VOV.VN - Trong mọi người giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, thì trên từng con đường, từng ngõ phố, những công nhân vẫn ngày đêm thu gom rác làm đẹp cho đời.
Khi mọi người hối hả về nhà sau một ngày làm việc cũng là lúc chị Đỗ Thị Thanh, công nhân Công ty vệ sinh môi trường đô thị số 1 ra khỏi nhà trong bộ quần áo bảo hộ lao động. Chị Thanh đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề rác. Ca làm của chị bắt đầu từ 5h chiều kéo dài đến khoảng 2h sáng.
Những công nhân vệ sinh môi trường làm việc xuyên đêm để "trang điểm" cho thành phố. |
Tuyến đường Trần Phú, Hùng Vương là nơi chị Thanh lùa chổi đêm đêm. Từng đường chổi lùa dưới nền đường, không xào xạc như ngày nắng, mà ướt át, nặng trĩu tâm tư.
"Đến địa điểm là tôi đi quét ngay, với công việc nắng thì không sao nhưng mưa cực lắm. Như hôm 30 Tết vừa qua, mưa đá lạnh hết cả người nhưng vẫn phải làm. Về sau lạnh quá chúng tôi phải đốt củi để sưởi ấm", chị Thanh chia sẻ.
Nghề rác khổ, lấy đêm làm ngày, nhưng chị Đan Thị Mỹ Hạnh, công ty môi trường Ba Đình lại nói về công việc với lòng biết ơn, bởi chính nghề nhọc nhằn này giúp chị có thu nhập trang trải cuộc sống. Chồng chị Hạnh làm việc cho một công ty tư nhân, mùa dịch nghỉ làm không lương. Cả nhà chỉ biết trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chị.
Chị Hạnh tâm sự, kể từ khi Việt Nam công bố dịch Covid-19 và TP. Hà Nội chính thức có ca nhiễm đầu tiên, bản thân chị cùng các anh, chị em trong tổ không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hoang mang. Nhưng đã là cái nghiệp. Đi qua những bất an, với các chị, những góc phố sạch, đẹp ấy chính là niềm vui.
"Mọi người cách ly ở nhà, đi làm cũng rất sợ nhưng công việc mình phải làm. Kể cả có như thế nào đi chăng nữa mình cũng phải hoàn thành công việc. Muốn dịch sao cho nhanh hết để mọi người đỡ khổ, đi làm cũng thoải mái", chị Hạnh cho hay.
Tưởng chừng công việc đơn giản chỉ là “quét”, “hốt” và “đẩy”, nhưng khi theo chân những người “trang điểm” cho thành phố, mới thấy không phải ai cũng làm được. Bởi khoảng thời gian làm việc “khắc nghiệt” bất chấp thời tiết, cùng với đó là rất nhiều các loại rác thải, từ xác động vật, thức ăn ôi thiu, đến rác thải y tế…
Vất vả, độc hại là vậy nhưng khi được hỏi tại sao lại không chọn cho mình một ngành nghề khác?Chị Nguyễn Thị Phương Lan, phụ trách vệ sinh môi trường khu phố Chu Văn An, Lê Trực mỉm cười: "Ai cũng chọn cho mình việc nhẹ nhàng, còn gian khổ vất vả thì dành cho ai".
"Tôi gắn bó với nghề gần 30 năm rồi. Công việc rất vất vả, thậm chí có ngày làm luôn chân luôn tay không được rời chổi, xẻng ra để uống cốc nước. Nhưng vì cuộc sống mình vẫn phải làm. Nhưng cũng là vì yêu ngành yêu nghề. Muốn cho thành phố xanh sạch đẹp nên tôi vẫn gắn bó đến ngày hôm nay", chị Lan bộc bạch.
Không thể phủ nhận một phần vì miếng cơm manh áo, nhưng nếu không có tình yêu nghề, không có tinh thần hy sinh, cống hiến vì một thành phố xanh, sạch, đẹp thì những công nhân vệ sinh môi trường như chị Lan, chị Hạnh, hay chị Thanh…không trụ với cái nghề làm bạn với rác.
Đêm đã về khuya, phố chỉ còn những người lao công cần mẫn dưới màn sương cùng tiếng chổi tre khua đều, lầm lũi … Chỉ ít giờ nữa thôi, ngày mới lại bắt đầu, TP lại thức dậy với những con phố sạch sẽ, bình yên. Mùa dịch, nỗi lo lắng có thể khiến cho niềm vui dần thưa vắng nhưng ở những con phố nhỏ đêm đêm, các anh chị lao công vẫn “âm thầm” gom góp niềm vui, làm đẹp cho đời bằng việc làm nhỏ bé của mình./.
Từ khóa: Người trang điểm cho thành phố, công nhân vệ sinh môi trường, quét rác
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN