Những thói quen hàng ngày có thể làm tăng lượng đường trong máu
Cập nhật: 08/11/2022
VOV.VN - Bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu, bạn có thể hiểu được các tác nhân khiến đường huyết tăng lên. Ngoài đồ ăn, thức uống nạp vào cơ thể thì thói quen hằng ngày mà bạn không ngờ đến sau đây cũng sẽ là nguyên nhân gây nên tình trạng đường trong máu tăng.
Bệnh tiểu đường là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nhất có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu không được điều trị thích hợp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.
Bỏ bữa sáng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), không ăn bữa sáng có thể làm tăng lượng đường trong máu sau cả bữa trưa và bữa tối. Điều đó nhắc nhở bạn rằng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống hàng ngày của mình.
Cháy nắng: Phơi nắng quá nhiều cũng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Theo CDC, khi bạn bị cháy nắng có thể dẫn đến mất nước do đổ mồ hôi nhiều hơn, khiến lượng đường trong máu tăng vì thận giữ nhiều nước hơn trong khi gan tiết ra nhiều đường hơn, làm giảm độ nhạy insulin.
Cà phê: Cà phê là một trong những thức uống buổi sáng yêu thích nhất của nhiều người. Một số người, thậm chí còn uống cà phê trong suốt cả ngày. Thế nhưng, loại đồ uống này có thực sự tốt cho sức khỏe đối với những người mắc bệnh tiểu đường hay không? Câu trả lời là không, kể cả khi không có chất tạo ngọt. Cơ quan y tế Hoa Kỳ giải thích rằng: "Đường trong máu của một số người cực kỳ nhạy cảm với caffeine". Đây là lý do tại sao bạn phải tránh dùng caffeine khi bạn có nguy cơ tăng lượng đường trong máu cao.
Ngủ không đủ giấc: Để có một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, ngủ đủ giấc là điều cần thiết. Theo CDC, thiếu ngủ dù chỉ một đêm cũng có thể khiến cơ thể bạn sử dụng insulin không hiệu quả.
Hiện tượng bình minh: “Hiện tượng bình minh” được dùng để chỉ sự gia tăng bất thường của lượng đường trong máu (glucose) vào buổi sáng sớm, thường là từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng, ở những người mắc bệnh tiểu đường. Theo CDC, “hiện tượng bình minh” là khi mọi người có sự gia tăng hormone vào sáng sớm cho dù họ có mắc bệnh tiểu đường hay không. Điều đó cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tăng đột ngột lượng đường trong máu trong thời gian này.
Bệnh về nướu: Theo một bài báo của tạp chí Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (JADA), bệnh nướu răng có thể làm tăng lượng đường trong máu của một người. Bệnh nướu răng ở dạng nghiêm trọng hơn được gọi là “viêm nha chu”. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ tăng lượng đường trong máu dài hạn (A1c) và khiến một người dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Mất nước: Cơ thể không đủ nước cũng có thể gây ra lượng đường trong máu cao. Mất nước có thể dẫn đến tăng đường huyết. CDC giải thích rằng, ít nước trong cơ thể có nghĩa là lượng đường trong máu của bạn cô đặc hơn. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ do lượng đường trong máu cao dẫn đến tình trạng đi tiểu thường xuyên, khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn.
Chất làm ngọt nhân tạo: Chất làm ngọt nhân tạo được cho là tốt hơn đường tinh luyện, thế nhưng chúng không phải là chất tốt nhất cho những người mắc bệnh tiểu đường. CDC Hoa Kỳ nói rằng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng lượng đường trong máu./.
Từ khóa: lượng đường trong máu tăng, lượng đường trong máu cao, nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng, vì sao lượng đường trong máu tăng
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN