“Những người phất cờ hồng” mùa thu năm xưa

Cập nhật: 19/08/2021

VOV.VN - “Những người phất cờ hồng” của tháng 8/1945 năm ấy giờ người còn người mất, nhưng tinh thần quyết giành “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho đất nước vẫn còn nguyên vẹn, và luôn là cảm hứng bất tận cho nhiều thề hệ trẻ tiếp nối truyền thống năm xưa của cha ông.

Vào những ngày đầu tháng 8/2021, Thiếu tá Biên phòng, nhà văn Phạm Vân Anh đã ra mắt cuốn bút ký nhân vật “Những người phất cờ hồng”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Nhà văn Phạm Vân Anh chia sẻ đã bỏ nhiều công sức, bắt đầu từ những ngày gia nhập quân ngũ trong lực lượng Biên phòng, chị được gặp các nhân vật - nhân chứng lịch sử và ấp ủ đề tài này cả một thời gian dài. “Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia, tìm đến các nhân chứng lịch sử về giai đoạn cách mạng đó. Và tôi hiểu rằng, các đồng chí lão thành cách mạng trực tiếp tham gia sự kiện này đều đã trên dưới 100 tuổi, nếu không làm phim hoặc viết một loạt ký sự chân dung nhân vật sẽ muộn bởi các cụ chính ký ức sống về một giai đoạn lịch sử của dân tộc” - nữ nhà văn cho biết. 

Cuốn sách “Những người phất cờ hồng” là tập hợp những bài bút ký chân dung về “những người con trung hiếu của dân tộc”. Có những người đã xuất hiện nhiều trên truyền thông, được cả nước biết tới, song cũng có những câu chuyện, những nhân vật còn chưa được báo chí nhắc đến, nhưng cống hiến của họ rất đáng trân trọng, là những tấm gương truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ hôm nay về lý tưởng, nghĩa vụ, trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc.. 

Để có quyết tâm hoàn thành cuốn bút ký “Những người phất cờ hồng”, nhà văn Phạm Vân Anh cho biết người truyền cảm hứng nhiều nhất là đại tá Hoàng Long Xuyên, hiện 104 tuổi, đang sống tại TP. Thái Nguyên. Chị đã tới thăm và trò chuyện với cụ 4 lần, và luôn được cụ cung cấp những thông tin, tư liệu quý. Qua cách sống và phụng sự Tổ quốc, cuộc đời thanh liêm, giản dị của cụ, nhà văn đã như được tiếp sức, quyết tâm hoàn thành cuốn sách về những nhân vật “phất cờ hồng” mùa thu 76 năm trước. 

“Những người phất cờ hồng” từ mùa thu tháng 8/1945, có nhiều người đã mất. Những người hiện còn sống đều cao niên như Đại tá Hoàng Long Xuyên (quê Cao Bằng) 104 tuổi, Đại tướng Nguyễn Quyết 100 tuổi, cụ Đặng Văn Việt 101 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng Lý Khờ Pừ (Lai Châu) 97 tuổi; nguyên chiến sỹ Đại đội tự vệ ngoại thành Hà Nội Nguyễn Hữu Hào cũng đã 92 tuổi...

Họ là những nhân chứng “sống” với những câu chuyện của chính mình năm xưa, chân thật nhưng thấm đẫm sự hào hùng, để người đọc như đang “sống” cùng lịch sử cách mạng của đất nước. Cuốn sách còn kể những câu chuyện của Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân; Thượng tướng Song Hào, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng); Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội; bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Ngoài ra còn một số câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã bị lớp thời gian che khuất, lâu nay ít người biết. Như chuyện về Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng ở Cao Bằng, người chiến sĩ hy sinh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh hy sinh trong trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiến công đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần. Là câu chuyện về liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bok Wừu ở Đắk Đoa (Gia Lai), tham gia phong trào “Đất nước đứng lên” từ năm 1939. Hay câu chuyện liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang đã xả thân “diệt ác, phá kìm” trong lòng địch.

Ở một khía cạnh khác, bút ký “Những người phất cờ hồng” đã mang đến người đọc không khí hừng hực của ngày 19/8 “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày”. Từ Cao Bằng, Lạng Sơn, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân như ông Hoàng Long Xuyên đã giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật. Tại Bạc Liêu, sáng 25/8/1945, bà Bảy Huệ cùng các đồng chí của mình tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lỵ, ra mắt Ủy ban dân tộc giải phóng và Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu.

Hay ông Đặng Văn Việt từng được  mệnh danh “Hùm xám đường số 4”, bởi tài thao lược chiến trận, người từng cắm Cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh thành Huế trong những ngày giành chính quyền. Là ông Đặng Nam với hào khí “Tiếng trống Kim Sơn” sôi sục miền duyên hải Bắc Bộ từ tháng 3 đến tháng 8/1945; nhà văn Hoàng Công Khanh từ nhà tù Sơn La đã vượt ngục trở về lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy ở Kiến An, Hải Phòng…

Không khí toát ra từ câu chữ, từ câu chuyện kể trong tập bút ký, cho người đọc cảm giác như đang nghe Đại tướng Nguyễn Quyết, đọc rành rọt từng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng. Ngày 19/8/1945, Đại tướng Nguyễn Quyết cùng với các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. 

Trong bút ký “Những người phất cờ hồng” còn có những trang viết về hôm nay, những tiếp bước mùa thu cách mạng năm xưa của các thế hệ Việt Nam, đang có mặt nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo. Xúc động và thật sự cảm phục các già làng, trưởng bản và cán bộ quân đội - công an đang sinh sống, làm việc, cống hiến ở những vùng khó khăn, gian khổ, không chỉ vững chắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn góp vào “đường biên cương dệt mùa xuân”, làm nên những hình ảnh tươi đẹp của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió… 

Những chân dung đẹp, mỗi nhân vật là một câu chuyện đời, nhưng điểm chung nhất là đều tỏa sáng tinh thần cống hiến vì sự bình yên của Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Câu chuyện về già làng Lâu Văn Hự, Phàn Định Xiết ở miền Tây Thanh Hóa, nhà thơ Hùng Đình Quý ở Hà Giang, “ông Tà” Nguyễn Văn Nghĩa ở Tây Ninh… Là câu chuyện về các bác sĩ, thầy cô giáo, cán bộ miền xuôi đã lên với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thầy giáo Nguyễn Văn Nhạn, đại tá Nguyễn Xuân Phòng, thiếu tướng Vũ Hiệp Bình… 

Có một sự thú vị không nhỏ, trong bút ký “Những người phất cờ hồng” có những trang viết về văn nghệ sĩ - những chiến sĩ “văn hóa nghệ thuật” lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi miền qua các tác phẩm nghệ thuật. NSND Y Brơm, biểu tượng của “không gian văn hóa” Tây Nguyên với những tác phẩm múa nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhà văn áo lính Lương Sỹ Cầm, Trần Hữu Tòng với hàng vạn trang văn luôn tươi mới tình yêu đất nước và khối lượng tác phẩm đồ sộ, được trao nhiều giải thưởng văn học uy tín của đất nước.

NSƯT Phùng Bá Gia, người có những thước phim quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hãn, một trong “tứ hổ” bảo vệ tướng quân Nguyễn Bình tại “đệ tứ chiến khu” Đông Triều nổi danh với tiếng trống chầu ca trù tài tử. Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn, người sáng tạo phương pháp bắn B52 bằng tên lửa “vượt nửa góc”, khi về hưu trở thành người nghệ nhân múa rối danh tiếng gần xa.

Nói về cuốn sách ra mắt vào chính lúc cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19, nhà văn Phạm Vân Anh muốn góp thêm năng lượng tích cực, năng lượng lan tỏa từ truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường dũng cảm, nghĩa tình đoàn kết đồng lòng của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục thế lực hùng mạnh nào. Chị cũng cho biết thêm, toàn bộ số nhuận bút của cuốn sách đã được chuyển vào miền Nam, giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19./.

Từ khóa: Những người phất cờ hồng, sách Cách mạng tháng 8, Phạm Vân Anh, bút ký, lịch sử Cách mạng tháng 8

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập