Những lần lính Mỹ và Liên Xô đụng độ với nhau

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN - Mỹ và Liên Xô chưa bao giờ rơi vào một cuộc chiến trực diện với nhau. Tuy nhiên, cũng có vài lần binh sỹ đôi bên tử chiến trên mặt đất và trên không.

Mỹ can thiệp vào Nga (1918-1920)

Giống như các nước Đồng minh, Mỹ cũng gửi quân tới nước Nga trong giai đoạn Nội chiến để ủng hộ lực lượng Bạch vệ chống lại những người Bolshevik. Mục tiêu của cuộc can thiệp này là để tận dụng sự suy yếu của nước Nga trong giai đoạn Nội chiến và mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ bên trong lãnh thổ của Nga.

nhung lan linh my va lien xo dung do voi nhau hinh 1
Lính Mỹ ở Vladivostok tháng 8/1918. Ảnh: RBTH

Hơn 5.000 lính Mỹ đổ bộ vào cảng Arkhangelsk miền Bắc nước Nga vào tháng 9/1918. Chiến dịch còn có tên là “Cuộc viễn chinh Gấu Bắc cực” này đã khiến hơn 200 binh sỹ Mỹ thiệt mạng - những người đã chết trong các cuộc đụng độ với lực lượng Bolshevik hoặc bị chết cóng do mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga năm 1919.

Lính Mỹ hoạt động ở vùng Viễn Đông và Siberia có những mục tiêu hoàn toàn khác nhau đối với những người đồng đội của họ ở Arkhangelsk. Một lực lượng viễn chinh “Siberia” 9.000 binh sỹ được gửi tới đây để ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Đế chế Nhật Bản trong khu vực. Kiểm soát được nhiều phần của tuyến đường sắt xuyên Siberia, người Mỹ lại không vội vàng ủng hộ Bạch vệ trong cuộc chiến chống lại Hồng quân.

Ngược lại, họ “mắt nhắm mắt mở” với các đơn vị ủng hộ cộng sản ở Viễn Đông chiến đấu với lính Nhật và lãnh đạo phong trào Bạch vệ được Nhật Bản ủng hộ là Atama Grigory Semyonov.

Với sự sụp đổ của phong trào Bạch vệ ở Nga, sự can thiệp của Đồng minh ở Nga cũng kết thúc. Đến tháng 3/1920, không còn bóng dáng lính Mỹ nào ở Nga.

Trận không chiến ở Nis (1944)

Trận chiến này không khác gì tin mừng với Phát xít Đức. Ngày 7/11/1944, một nhóm máy bay chiến đấu Lockheed P-38 Lightning của Mỹ đã tấn công một đơn vị lính Liên Xô gần thành phố Nis ở Yugoslavia khiến 27 người thiệt mạng, trong đó có 1 tướng.

nhung lan linh my va lien xo dung do voi nhau hinh 2
Máy bay Lockheed P-38 của Mỹ. Ảnh: Getty

Lính Liên Xô bắt đầu chạy, vẫy tay và băng rôn đỏ, cố ra hiệu cho phi công Mỹ rằng họ đang bị nhầm lẫn. Nhưng vì phía Mỹ vẫn chưa thể nhận ra họ đang bắn nhầm đồng minh, các đơn vị phòng không và máy bay Liên Xô đã phải vào cuộc.

Kết quả là một trận không chiến ở Nis sau đó đã khiến Liên Xô mất 4 chiếc Yak và Yak-9, trong khi 3 chiếc P-38 bị bắn hạ. Chỉ khi Đại úy Koldunov suýt bị bắn hạ khi tiếp cận gần chiếc máy bay dẫn đầu của Mỹ và ra hiệu, thì lúc này phía Mỹ mới nhận ra đồng minh.

Sau một cuộc điều tra, hai nước quyết định giữ im lặng về sự việc này để không khiến nó trở thành món quà cho cỗ máy tuyên truyền của Hitler trong lúc phe Đồng minh đang tới gần chiến thắng.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)

Đầu những năm 1950, bán đảo Triều Tiên trở thành một “thao trường huấn luyện” cho cuộc đấu tay đôi giữa máy bay chiến đấu của đôi bên. Vai trò chủ chốt nắm ở phi công Mỹ và Liên Xô.

nhung lan linh my va lien xo dung do voi nhau hinh 3
Phi công Nikolai Sutyagin and Yevgeny Pepelyaev của Liên Xô. Ảnh: Getty

Liên Xô đã cử Đơn vị không chiến số 64 tới Triều Tiên vào tháng 10/1050, khi mà sự tiến quân của Hàn Quốc và lực lượng Liên Hợp Quốc đã khiến Triều Tiên đến bên bờ sụp đổ. Những phi công Liên Xô trên chiếc MiG-15, cộng thêm hàng trăm ngàn quân tình nguyện Trung Quốc đã giúp Triều Tiên phản công thành công.

Các phi công Liên Xô Nikolai Sutyagin với 22 chiến thắng trên không, và Yevgeny Pepelyaev với 19 chiến thắng, đã trở thành những phi công xuất sắc nhất trong Chiến tranh Triều Tiên. Các phi công xuất sắc nhất của phía Mỹ trong cuộc xung đột này là Joseph C. McConnell (16 chiến tích) và James Jabara vpwos 15 lần bắn hạ máy bay địch.

Chiến tranh Triều Tiên còn được biết đến với sự kiện Không quân Mỹ đánh bom lãnh thổ Liên Xô. Ngày 8/10/1950, hai chiếc máy bay chiến đấu Lockheed P-80 Shooting Star của Mỹ tấn công sân bay Sukhaya Rechka ở Viễn Đông vì nhầm đó là một địa điểm ở Triều Tiên.

Cuộc tấn công của Mỹ khiến 6 chiếc tiêm kích của Liên Xô trên mặt đất bị hỏng và 1 chiếc bị thiêu rụi. Trớ trêu thay, Mỹ còn tấn công cả những chiếc Bell P-63 Kingcobra của chính mình đã được gửi tới Liên Xô trong Thế chiến 2 như một phần thỏa thuận thuê-mượn giữa 2 nước.

Khi Liên Xô khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về sự kiện này, Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã thừa nhận sai lầm và nói rằng, vụ tấn công vào lãnh thổ Liên Xô là do “lỗi định vị sai và tính toán thiếu sót”.

Dự án Dark Gene (1973)

Cho đến giờ nhiều người vẫn cảm thấy khó tin, nhưng đã có thời điểm Mỹ và Iran là bằng hữu và đồng minh của nhau. Giai đoạn 1960-1970 hai bên đã tiến hành các chiến dịch do thám trên không chung ở các vùng lãnh thổ phía Nam Liên Xô.

nhung lan linh my va lien xo dung do voi nhau hinh 4
F-4 Phantom II của Iran. Ảnh: RBTH

Trong chiến dịch, có tên là Dự án Dark Genne, phi công Mỹ và Iran trên những chiếc máy bay chiến đấu của Iran đã vượt qua biên giới Liên Xô để tìm kẽ hở trong hệ thống phòng không của Liên Xô và thử nghiệm tính hiệu quả của hệ thống đánh chặn của Moscow trước xẻ xâm phạm.

Ngày 23/11/1973, một chiếc MiG-21SM do Gennady Yeliseev điều khiển được điều lên đánh chặn F-4 Phantom II của Iran đã xâm phạm biên giới Liên Xô ở đồng bằng Mugan. Sau khi tất cả tên lửa đều không đánh trúng mục tiêu, Yeliseev đã điều khiển đâm phần cánh chiếc MiG-21SM vào đuôi chiếc F-4 Phantom II.

Cú va chạm khiến chiếc F-4 bị rơi, phi công Iran Shokouhnia và phi công John Saunders của Không quân Mỹ sau đó bị bắt. Tuy nhiên chiếc MiG đã lao vào núi và khiến Yeliseev thiệt mạng./.

Hoàng Phạm

RBTH

Từ khóa: Mỹ, Liên Xô, những lần đụng độ giữa Mỹ và Liên Xô, cuộc viễn chinh gấu bắc cực, cuộc viễn chinh Siberia

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập