Những điểm chính trong thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria

Cập nhật: 23/10/2019

VOV.VN - Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria là nội dung thảo luận chính giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan tại Sochi ngày 22/10.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp tại thành phố Sochi, thảo luận một loạt vấn đề trong đó tình hình Syria và chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là nội dung chính.

nhung diem chinh trong thoa thuan giua nga-tho nhi ky ve syria hinh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) vàTổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Trong thông cáo báo chí sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, ông Putin nhấn mạnh rằng các lực lượng nước ngoài hiện đang triển khai một cách bất hợp pháp ở Cộng hòa Arab này cần phải rời đi trong trật tự để Syria có thể trở lại ổn định. Ông cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ quan điểm này cũng như việc tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần phải được tôn trọng.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng nói rằng, chính phủ Syria và các lực lượng người Kurd cần phải tổ chức các cuộc đối thoại rộng rãi để tính đến lợi ích của tất cả các thành phần tôn giáo đang tồn tại ở Syria. Ông cho biết thêm, Nga chia sẻ quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về các quan điểm ly khai ở Syria - điều mà như Tổng thống Nga đã nói là được kích động từ bên ngoài quốc gia Arab này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh việc thực hiện biên bản ghi nhớ chung mà 2 Tổng thống đã ký sau cuộc hội đàm, sẽ đập tan “bất cứ trò chơi ly khai nào” được tiến hành bên trong lãnh thổ Syria.

Trong bản ghi nhớ chung, hai nước cam kết sẽ hợp tác để hướng tới việc tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria trong khuôn khổ “Cơ chế Astana” và cam kết hỗ trợ Ủy ban Hiến pháp trong nỗ lực này.

Tuần tra chung ở Syria

Hai Tổng thống đã đạt được một thỏa thuận theo đó chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ hạn chế trong phạm vi 30km từ đường biên giới chung. Nga sẽ cử lực lượng quân cảnh, trong khi chính quyền Damascus sẽ cử lực lượng tuần tra để đảm bảo Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sẽ rút các lực lượng và khí khỏi phạm vi 30km từ đường biên giới để vào sâu hơn bên trong lãnh thổ Syria. Chiến dịch cần phải được hoàn thành trong thời hạn 150 giờ.

Sau khi YPG rút khỏi khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung về phía Đông và phía Tây chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khu vực trải rộng 10km, ngoại trừ thành phố Qamishli.

Chấm dứt Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình

Sau khi kết thúc các cuộc đối thoại giữa 2 Tổng thống, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng bản ghi nhớ được ký kết sẽ đảm bảo chấm dứt đổ máu ở Syria, khẳng định đây là một bước đi quan trọng hướng tới ổn định hòa bình Syria.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc gặp ở Sochi rằng Mỹ, nước hiện đang rút quân khỏi miền Bắc Syria theo thỏa thuận của họ với Thổ Nhĩ Kỳ, phải hoàn thành mọi nghĩa vụ ở Syria trong vòng 1 giờ 31 phút. Ông Shoigu nói thêm rằng, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan không thảo luận việc các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở Syria trong bao lâu khi tiến hành Chiến dịch mùa xuân hòa bình.

Hồi hương người tị nạn Syria

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới tình hình nhân đạo ở Syria. Theo Tổng thống Putin, các bên đã đồng ý rằng, việc hồi hương người tị nạn Syria cần phải được thực hện để giảm bớt gánh nặng cho các nước đang tiếp nhận họ. Bản ghi nhớ của 2 nước cũng nhấn mạnh việc hồi hương người tị nạn cần phải được tiến hành một cách an toàn và tự nguyện.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ngày 9/10 nhằm vào lực lượng người Kurd ở khu vực từ miền Bắc Syria tới phía Đông sông Euphrates. Lực lượng SDF và YPG do người Kurd dẫn đầu, đã kiểm soát các khu vực này, bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố./.

Từ khóa: Thổ Nhĩ Kỳ, miền Bắc Syria, cuộc gặp Putin-Erdogan, người Kurd ở Syria, chiến dịch quân sự

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập