VOV.VN - Tại nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Trump đã ghi dấu ấn đậm nét với nhiều di sản các chính sách về kinh tế, tư pháp, đối ngoại và nhập cư.
Ông Trump đã giành thắng lợi một cách vang dội trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 trước đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris. Dưới đây là những chính sách của nước Mỹ ở nhiệm kỳ đầu tiên ông Trump làm chủ Nhà Trắng. Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Trump có nhiều khả năng sẽ tiếp nối những gì còn bỏ ngỏ trong nhiệm kỳ trước trong 4 năm tới.
Chính sách kinh tế
Ngay ngày nhậm chức đầu tiên trong năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động bằng tuyên bố Mỹ sẽ rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định này của cựu Tổng thống không chỉ là cú sốc đối với các nước trong khu vực nhưng theo lập luận của ông, lý do của việc này là để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Dưới thời ông Trump, một số chính sách như cắt giảm thuế, trong đó có Đạo luật Giảm thuế và Việc làm được ông Trump ký vào tháng 12/2017 được xem là đợt tái cấu trúc quan trọng nhất của hệ thống thuế Mỹ kể từ những năm 1980. Đạo luật này đã đem tiền bạc quay lại với phần lớn người lao động Mỹ và khiến các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Điều này cũng tạo cú hích cho nền kinh tế khi tiền lương của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục.
Trở lại với đường đua Tổng thống năm nay, ông Trump đề xuất gia hạn toàn bộ chính sách giảm thuế từ năm 2017, đồng thời gợi ý rằng thuế quan thương mại có thể được sử dụng để chi trả cho việc cắt giảm thuế. Ông cam kết tiếp tục chính sách "Nước Mỹ trên hết" bằng cách áp thuế nhập khẩu cao với hơn 3.000 mặt hàng, tăng từ 2% lên 10-20%, đặc biệt là 60% đối với Trung Quốc và 200% cho xe hơi từ Mexico để bảo vệ ngành ô tô Mỹ. Ông cũng có kế hoạch miễn thuế cho tiền trợ cấp xã hội và tiền làm thêm giờ để hỗ trợ những người có thu nhập thấp tại Mỹ.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa này cũng đề xuất trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp - một ý tưởng có thể thắt chặt thị trường lao động và đẩy tiền lương lên cao, tạo ra một áp lực gây ra lạm phát khác. Về lý thuyết, các chính sách mà ông đề xuất có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ.
Lĩnh vực tư pháp
Dấu ấn sâu đậm nhất của ông Trump về mặt tư pháp là việc bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang và đặc biệt là ba thẩm phán Tòa án tối cao. Nhiệm kỳ của các thẩm phán Tòa tối cao là trọn đời nên việc bổ nhiệm của ông Trump sẽ còn có sức ảnh hưởng trong nhiều thập niên sắp tới.
Đặc biệt, ba trong số các thẩm phán Tòa án Tối cao đã ra phán quyết hủy bỏ vụ Roe kiện Wade - án lệ đặt nền móng cho quyền phá thai của phụ nữ Mỹ, tạo nên một trong những cuộc tranh cãi nóng sốt nhất trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Ông Trump cũng là tổng thống bị luận tội nhiều nhất trong trong lịch sử nước Mỹ, với hai lần vào các năm 2019 vì cản trở quốc hội và lạm dụng quyền lực và năm 2020 vì “kích động bạo lực” sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, khi hàng trăm người ủng hộ ông xông vào toà nhà để ngăn Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử trong cùng năm.
Chính sách đối ngoại
Nhìn chung, quan điểm đối ngoại của ông Trump gần như đi ngược lại với nhiều nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông thúc đẩy một loạt các cuộc rút lui khỏi các hiệp định và cơ quan mà Mỹ đã đóng vai trò lãnh đạo, bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như Hiệp định khí hậu Paris.
Đặc biệt, tháng 5/2018, ông Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt, một động thái được cho là không quá bất ngờ. Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng khi đó, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm làm suy yếu tiềm lực của nước này. Chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với mọi lĩnh vực của Iran, từ doanh thu từ dầu mỏ đến khoáng sản và ngân hàng trung ương, khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp tục leo thang.
Ông Trump đã thực hiện một phần lời hứa trong chiến dịch tranh cử là đưa quân đội về nước từ “những cuộc chiến tranh bất tận”, đặc biệt là ở Afghanistan. Nhưng mối quan hệ của ông với các quan chức quân sự cấp cao đã trở nên tồi tệ khi lời khuyên của các tướng lĩnh đi ngược lại mong muốn của ông, bao gồm cả lệnh rút quân đột ngột khỏi Syria.
Chính quyền của ông cũng là trung gian hòa giải cho những thỏa thuận hòa bình đầu tiên ở Trung Đông, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, điều mà ngay cả những người chỉ trích ông Trump cũng hoan nghênh.
Bên cạnh đó, "chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc" trong thời kỳ ông Trump tại nhiệm cũng khiến mối quan hệ song phương trở chuyển xấu, đặc biệt là sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh che giấu thế giới về mối đe dọa của virus corona.
Vấn đề khí hậu
Ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng với lời hứa sẽ đảo ngược những nỗ lực của người tiền nhiệm Obama nhằm chống lại biến đổi khí hậu như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm cắt giảm thủ tục hành chính về môi trường mà ông coi là trở ngại đối với doanh nghiệp và đặc biệt là đối với ngành nhiên liệu hóa thạch Mỹ.
Cựu Tổng thống cũng khởi xướng việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015, một hiệp định quốc tế nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu, đồng thời từ bỏ vai trò lịch sử của Washington là nước đi đầu trong các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ từ bỏ cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025.
Sau đó, ông Trump đã hủy bỏ hoặc làm suy yếu hai nỗ lực chính sách do cựu tổng thống Obama khởi xướng, vốn sẽ giúp Washington đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đó là Kế hoạch năng lượng sạch (CPP) nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ngành điện và các mục tiêu về hiệu quả nhiên liệu phương tiện quốc gia nhằm giảm ô nhiễm và tác động đến khí hậu từ ô tô và xe tải. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, các ngành điện và vận tải chiếm phần lớn lượng khí thải nhà kính của Mỹ.
Kế hoạch CPP khi đó đã được thay thế bằng quy tắc Năng lượng sạch giá cả phải chăng, vốn không có mục tiêu cứng rắn nào về cắt giảm khí thải, trong khi các mục tiêu về hiệu quả của phương tiện đã được nới lỏng.
Vấn đề nhập cư
Nhìn lại 4 năm nắm quyền tại Nhà Trắng, cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía Nam nước Mỹ. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng chi hàng tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới dài hơn 3200km nhằm ngăn người nhập cư Mexico vượt biên trái phép vào nước này. Tuy nhiên, đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, bức tường vẫn chưa hoàn thành.
Năm 2017, ông Trump cũng hoãn Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) cho phép những người đến Mỹ khi còn là trẻ em mà không có giấy tờ được tiếp cận giáo dục và tạm thời được sinh sống và làm việc hợp pháp tại Mỹ. Tuy nhiên, theo phán quyết Tòa án Tối cao khi đó, chính sách này vẫn có hiệu lực.
Bên cạnh đó, ông cũng hạn chế số lượng người nhập cư hợp pháp cũng như ban hành lệnh cấm đi lại gây tranh cãi đối với những người từ bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.
Ông Trump đã ít nói về bức tường biên giới của mình trong chiến dịch tranh cử năm nay; tuy nhiên, những tuyên bố của ông về vấn đề nhập cư bất hợp pháp vẫn không hề mất đi sự gay gắt. Hai mục đầu tiên trong chương trình nghị sự của ông cho năm 2024 là về vấn đề nhập cư. Cựu Tổng thống cam kết "đóng cửa biên giới’ và "thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ".
Chương trình nghị sự này cũng xem xét tái khởi động việc xây dựng hàng rào biên giới, trong khi đề xuất thứ hai có ý định viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn 1798 dưới thời cưu Tổng thống John Adams để trục xuất những người sinh ra bên ngoài Mỹ nhưng chưa có được sự cho phép hợp pháp để ở lại.
VOV.VN - Nhìn chung, Trung Quốc chiếm một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm gần đây. Bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraina hay Israel - Hamas ở dải Gaza, Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.