Những cụm từ tôn vinh nghề y
Cập nhật: 25/02/2022
Công an Lai Châu bắt 12 đối tượng lừa đảo qua mạng tại Campuchia
Thuê căn hộ cao cấp để bán ma túy, 2 thanh niên lĩnh hơn 31 năm tù
[VOV2] - “Bác sĩ” viết là “i” hay “y” mới chính xác? Ngoài “bác sĩ” còn có những từ ngữ nào để chỉ công việc của nghề y? PGS.TS Trương Thị Nhàn, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế chia sẻ.
Không công bằng nếu nói “bác sĩ” là từ Hán Việt
Trước hết cần khẳng định “bác sĩ” là một từ tiếng Việt dùng để chỉ người làm nghề thầy thuốc đã tốt nghiệp đại học ngành Y. Tiếng Hán không có từ “bác sĩ” với ý nghĩa này mà chỉ có những từ tương đương như là “đại phu” hay “lang trung”. Còn “bác sĩ” trong tiếng Hán mang ý nghĩa hoàn toàn khác.
Trong tiếng Việt, “bác sĩ” là một từ được cấu tạo hoàn toàn mới trên nền 2 yếu tố gốc Hán là “bác” và “sĩ”. Trong đó, “bác” có nghĩa là rộng. Ví dụ ta nói “bác học”, “uyên bác”, “bác ái”. Còn “sĩ” để chỉ người học hành đỗ đạt hay có phẩm hạnh, tài nghệ riêng như “tiến sĩ”, “nghệ sĩ”, “ca sĩ”…
Cách cấu tạo này giúp tạo ra hàng loạt những từ Tiếng Việt mới và hoàn toàn không có trong từ điển Tiếng Hán. Ví dụ ta vẫn nghe là “phi công” thì Tiếng Hán là “phi hành gia”, rồi “y sĩ”, “y tá”. Có ý kiến cho rằng chỉ nên coi là từ Hán Việt khi đó là từ Tiếng Việt mà có nguồn gốc từ Tiếng Hán dạng như “phu nhân”, “hoàng thượng”, “công chúa”, “sư phụ”… Theo đó, sẽ rất không công bằng nếu nói “bác sĩ” là từ Hán Việt.
“Bác sĩ” hay “Bác sỹ”?
Có 1 câu chuyện rất là dài về “i” và “y” liên quan đến chuẩn chính tả Tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng đã có quy định từ năm 1980 gọi tắt là quy định 240 thống nhất việc viết “i” trong các trường hợp là âm tiết có âm chính là “i” nhưng không có âm cuối. Khi xuất hiện sau các phụ âm sau đây sẽ viết thành “i” đó là:
+ H: ví dụ như “hi sinh”, “hi vọng”
+ K: ví dụ “kĩ thuật”, “kĩ sư”
+ L: ví dụ “tâm lí”, lí thuyết”
+ M: ví dụ “mĩ thuật”, “thẩm mĩ”
+ S: ví dụ “bác sĩ”, “sĩ quan”
+ T: ví dụ “công ti”.
Như vậy, chữ viết “bác sĩ” viết “i” là đúng theo quy định này. Nếu như viết “y” thì sao? Theo PGS.TS Trương Thị Nhàn, thực tế hiện nay cũng có những người vì thói quen hay vì yêu thích, vì tính thẩm mỹ hoặc cảm thấy là không gây ra nhầm lẫn về nghĩa nên vẫn dùng cách viết là “y”. Trong những trường hợp như vậy nó tạo nên 1 cách viết theo thói quen mà hiện nay chúng ta đang phải tranh luận rất nhiều. Bởi vậy có rất nhiều trường hợp một từ trong cùng một văn bản mà có đến hai cách viết. Thế thì thống nhất trong các văn bản viết “i” là chuẩn. Và SGK hiện nay sử dụng triệt để quy định này cho nên sẽ viết là “bác sĩ”.
“Chiến sĩ áo trắng”, “thiên thần áo trắng”... phong phú cụm từ tôn vinh nghề Bác sĩ
Tiếng Việt rất phong phú và giàu khả năng biểu đạt, diễn đạt được tình cảm hết sức tinh tế, với ngành y cũng thế. Trang trọng, ngợi ca có những từ như “lương y”, “thần y”. Mộc mạc, gần gũi có những từ như “thầy lang”, “ông lang”, “lang ta”, “lang tây”.
Cùng với đó là những từ ngữ dùng để ca ngợi ngành y, ca ngợi người thầy thuốc ví dụ như “chiến sĩ áo trắng”, “thiên thần áo trắng”, “nghề cao quý”, “sự hy sinh thầm lặng”, “nghĩa cử cao đẹp”, “tấm lòng lương y như từ mẫu”…
Ngoài ra có cả lối so sánh như trong bài hát “Thấp thoáng bóng áo choàng sáng ngời/ Như những bông hoa huệ của đời”.
Trong giao tiếp hàng ngày cũng rất thú vị, phổ biến cách gọi bác sĩ là “bác”. Ví dụ nói “Hôm nay bác Linh trực bệnh viện nhé” hoặc là “Thưa bác tôi đau ở đây ạ” nghe gần gũi yêu thương như trong một gia đình.
Nghe những phân tích của PGS.TS Trương Thị Nhàn, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế về những từ ngữ liên quan đến “bác sĩ” tại đây:
Từ khóa: bác sĩ hay bác sỹ, thiên thần áo trắng, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2