Những “cư dân” giữ cánh sóng của Đài TNVN trên cổng trời Phja Oắc
Cập nhật: 23/11/2020
Các cán bộ, kỹ thuật viên với nhiệm vụ giữ cánh sóng của Đài TNVN đã trở thành những cư dân hiếm hoi trên đỉnh núi cao mờ sương và giá lạnh.
Phja Oắc là ngọn núi cao nhất tỉnh Cao Bằng (có độ cao 1.931m so với mặt nước biển). Trước kia, nơi đây hầu như không có dấu chân người. Từ năm 2007, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã xây dựng phát sóng phát thanh FM - 10kW tại đây. Từ đấy, các cán bộ, thuật viên với nhiệm vụ giữ cánh sóng của Đài TNVN đã trở thành những cư dân hiếm hoi trên đỉnh núi cao mờ sương và giá lạnh.
Trạm Phát sóng của Đài TNVN trên đỉnh núi Phja Oắc cách thành phố Cao Bằng 70 km và đi qua nhiều đường đèo uốn lượn
Với độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, nơi này quanh năm mây phủ, nhiệt độ chỉ ở ngưỡng trung bình 10-12 độ C, mùa đông băng tuyết phủ trắng
Sau 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô vượt qua hơn 70 km đường đèo uốn lượn, chúng tôi đến đỉnh Phja Oắc, nơi đặt trạm Phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nơi này quanh năm mây phủ, nhiệt độ chỉ ở ngưỡng trung bình 10-12 độ C, mùa đông băng tuyết phủ trắng.
Trạm Phát sóng Phja Oắc có 2 tòa nhà chính, tuy nhiên do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, một tòa nhà hiện đã hoàn toàn bị xuống cấp không thể sử dụng, vì vậy hơn 10 người gồm cán bộ công nhân viên trực phát sóng trên Trạm cùng với lực lượng Cảnh sát cơ động bảo vệ mục tiêu phải sinh hoạt, làm việc tại tòa nhà còn lại.
Do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, một tòa nhà hiện đã hoàn toàn bị xuống cấp không thể sử dụng
Cán bộ sinh sống trên trạm phải đi chợ cách xa 15 km, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men để dự trữ
Hơn 10 người gồm cán bộ công nhân viên trực phát sóng trên Trạm cùng với lực lượng Cảnh sát cơ động bảo vệ mục tiêu phải sinh hoạt, làm việc tại tòa nhà còn lại
Trung tá Mã Ngọc Chắn, cán bộ đội Cảnh sát cơ động bảo vệ mục tiêu tại trạm cho biết: "Phụ thuộc vào thời tiết do vậy nước sinh hoạt chúng tôi phải sử dụng rất tiết kiệm và tận dụng, chẳng hạn như nước rửa rau phải gom lại để phục vụ cho công tác vệ sinh. Tuần chỉ tắm được một lần thôi. Mỗi lần đi chợ phải mua đồ về dự trữ khoảng 1 tuần đến nửa tháng, vì chợ gần nhất đã cách đến 15 km. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là vào năm 2010, ở đây đóng băng trên 12 ngày. Thời điểm đó nước sinh hoạt không có, anh em phải dùng xà beng chọc vào bể nước, dùng vòi hút từng tí một. Cột nhà, cột ăng ten đóng băng thành cục như một cây đá vậy”.
Cán bộ trực phát sóng trên Trạm gồm 4 người thuộc biên chế của Phòng Kỹ thuật công nghệ, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Cao Bằng
Trung tá Mã Ngọc Chắn, cán bộ đội Cảnh sát cơ động bảo vệ mục tiêu tại trạm cho biết: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh là vào năm 2010, ở đây đóng băng trên 12 ngày. Thời điểm đó nước sinh hoạt không có, anh em phải dùng xà beng chọc vào bể nước, cột nhà, cột ăng ten đóng băng thành cục"
Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho biết: "Thời gian tới để tăng cường công tác phủ sóng tới các đồng bào đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, Đài TNVN sẽ tiến hành nâng cấp về hạ tầng cũng như công suất phát sóng cho trạm phát sóng Phja Oắc này".
Cán bộ trực phát sóng trên Trạm gồm 4 người thuộc biên chế của Phòng Kỹ thuật công nghệ, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Cao Bằng. Do điều kiện công việc nên họ chia làm 2 ca, mỗi ca 2 người với thời gian 10 ngày, luân phiên nhau. Anh Phan Văn Công, cán bộ trực phát sóng trên trạm cho biết: Từ khi xây dựng trạm năm 2007 đến nay, chưa có trận mưa nào mà sét không đánh vào trạm.
Anh Công chia sẻ:“Lúc sấm sét mưa gió mình cũng chủ động để mình tắt át và máy móc, không thì sét đánh sẽ nổ ngay, không thể phát sóng và vận hành phục vụ bà con được. Mình ý thức được rõ trách nhiệm của mình là để làm sao cho cánh sóng vươn xa hơn, phục vụ bà con dân tộc ở thiểu số tại địa phương và xa hơn nữa. Bà con ở đây cũng rất thích các chương trình phát thanh tiếng dân tộc bởi khi đi làm nương rẫy họ luôn cầm theo một chiếc đài FM đi theo để nghe những chương trình đài phát.”
Hàng tháng, lãnh đạo huyện Nguyên Bình cũng như tỉnh Cao Bằng lại tổ chức những đoàn công tác lên thăm hỏi, giúp đỡ cuộc sống sinh hoạt của anh em trên trạm phát sóng. Trên đỉnh Phja Oắc xa xôi, có tiếng xe máy, xe ô tô lạ vang lên là anh em kíp trực lại vui mừng khôn xiết. Những tiếng cười nói, những cái bắt tay, những ly rượu giữa mùa đông lạnh giá… như tiếp thêm động lực để họ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Ở độ cao gần 2000m, trạm phát sóng của Đài TNVN trên đỉnh Phja Oắc có thể phủ sóng tới hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, một phần các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang.
Cánh sóng Tiếng nói Việt Nam đang ngày càng vươn xa có một phần không nhỏ công lao thầm lặng của họ - "Những cư dân trên cổng trời Phja Oắc"
Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho biết: “Hiện nay Đài TNVN vẫn tăng cường việc phát sóng theo phương thức truyền thống. Đài hiện vẫn đang phát 3 loại hình là sóng ngắn phục vụ cho tầm xa phát cho đối ngoại, sóng AM để phục vụ cho tầm xa trong nội địa. Và để đạt được chất lượng cao, chúng tôi tập trung phủ sóng FM. Để làm được này thì rất cần có những vị trí có độ cao giống như đỉnh Phja Oắc này. Do vậy sắp tới để tăng cường công tác phủ sóng tới các đồng bào đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, Đài TNVN sẽ tiến hành nâng cấp cả về hạ tầng cũng như công suất phát sóng cho trạm phát sóng Phja Oắc này.”
Nơi cổng trời âm u, tĩnh mịch, những người “nối dài cánh sóng” vẫn đang đoàn kết, chung tay sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đường lối của Đảng, những chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tức thời sự… theo đó vẫn đang ngày ngày bay xa hơn, lan tỏa tới bà con đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từcăn phòng ởcủa những “cư dân” nhìn ra, những giọt sương trĩu nặng đọng trên sợi dây phơi. Những ngày đông băng tuyết, để có nước nấu cơm, mọi người phải đốt cho băng tan thành nước. Chứng kiến những khó khăn vất vả của những con người tại trạm- những “cư dân” trên cổng trời Phja Oắc này, chúng tôi càng cảm nhận được một điều, cánh sóng Tiếng nói Việt Nam ngày càng vươn xa có một phần không nhỏ công lao thầm lặng của họ./.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D