Những công trình trọng điểm vùng ĐBSCL lưu dấu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cập nhật: 22/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Những dấu ấn, kỷ niệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên những công trình, dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL không thể nào phai nhạt. Vùng đất chín rồng cất cánh, cuộc sống người dân được an cư lạc nghiệp như ngày hôm nay có công lao to lớn của ông.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm và luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Với chủ trương và tầm nhìn chiến lược, người đứng đầu Chính phủ đã làm nền móng cho ra đời hàng loạt công trình, dự án trọng điểm trong khu vực ĐBSCL, làm thay đổi rõ nét vùng đất chín sông.
Là người hiểu rõ vùng đồng bằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm quy hoạch vùng ĐBSCL. Chính ông là người cho chủ trương khai phá nhiều công trình có tầm ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế xã hội như: dự án thoát lũ ra Biển Tây, ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên, cầu Mỹ Thuận; nổi bật là Kênh T5 mà người dân vùng Tứ giác Long Xuyên thường gọi với cái tên thân thương là “Kênh Ông Kiệt”, nay đã được tỉnh An Giang và Kiên Giang đặt tên toàn tuyến là Kênh Võ Văn Kiệt, góp phần chuyển đổi vùng Tứ giác Long Xuyên trở thành “kho lúa” của miền Tây Nam Bộ.
Tại tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần khảo sát thực địa và hoạch định chính sách phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm với trung tâm là thành phố Cần Thơ, nổi bật là công trình cải tạo Kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn tiếp cận Cảng Trà Nóc, sau này có thêm Cảng Cái Cui, tạo lối ra cho hàng hóa vùng ĐBSCL lưu thông nội địa và xuất khẩu quốc tế.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khẳng định, bên cạnh những dấu ấn nổi bật qua các công trình hiện hữu, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn để lại những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa mang tính nhân bản đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ. Đó là tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, là sự tận tụy, tận tâm và trách nhiệm, là phong cách giản dị, gần gũi, hào sảng, như là một tính cách đặc trưng của người dân Nam Bộ.
Ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh: “Trân trọng sự cống hiến to lớn của cố Thủ tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm giáo dục cho các thế hệ đảng viên và nhân dân về truyền thống cách mạng, tư duy đổi mới, sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, Đảng bộ và chính quyền thành phố quyết định chọn tuyến đường kết nối Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ với trung tâm thành phố mang tên cố Thủ tướng. Đây là tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với cố Thủ tướng. Chắc chắn rằng, sự cống hiến và những giá trị các công trình mang đậm dấu ấn của cố Thủ tướng sẽ được tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững vùng ĐBSCL nói chung, cũng như của thành phố Cần Thơ nói riêng trong giai đoạn mới".
Tháng 5/2000, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long theo quốc lộ 1 hoàn thành, đây là công trình có tính bước ngoặt để góp phần tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, vận chuyền hàng hóa giữa các tỉnh Miền Tây và TP.HCM. Công trình này mang đậm dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt bởi xuất phát từ chủ trương hợp lý, hợp lòng dân. Ngày khánh thành công trình này, người dân đến xem rất đông và vui như ngày hội.
Anh Huỳnh Văn Sang, một người dân sống gần cầu Mỹ Thuận nhớ lại: "Thời điểm đó người dân đến xem đông vui lắm, như ngày lễ tết. Các ông bà mình ở dưới quê nói “Tau cố gắng sống đến ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận”. Thật sự, từ khi có cầu Mỹ Thuận, bà con mình vui không kể hết".
Cầu Mỹ Thuận đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Ông Trương Văn Sáu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, trước đây tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp gần cầu Mỹ Thuận, tuy nhiên ông Võ Văn Kiệt đề nghị dời khu công nghiệp qua xã Hòa Phú, huyện Long Hồ. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng sau khi có cầu Mỹ Thuận, khu công nghiệp đặt ở xã Hòa Phú phát huy hiệu quả hơn.
Ông Trương Văn Sáu cho biết thêm: "Rõ ràng ý tưởng của bác Võ Văn Kiệt chuyển khu công nghiệp vào khu Hòa Phú rất là hiệu quả. Đến ngày nay có thể nói khu công nghiệp Hòa Phú đã phát huy hiệu quả rất tích cực".
Đến nay, khu công nghiệp Hòa Phú đã có 22 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 15 dự án FDI và 7 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động.
Nói tới "Dấu ấn Võ Văn Kiệt” còn phải kể đến chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long. Từ một vùng đất thường xuyên bị ngập nước, phèn chua, rừng cây bạt ngàn, nay vùng Tứ Giác Long Xuyên (tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tp. Cần Thơ) và vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp) nay đã trở thành vùng đất phì nhiêu, trù phú. "Vùng đất chết” năm xưa nay đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo, nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài sản xuất lúa 3 vụ, vùng này còn phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu, cây khóm và hình thành các khu công nghiệp thu hút rất nhiều nhà đầu tư ngoài nước.
Tứ giác Long Xuyên trước đây là một vùng hoang hóa, được ví như "túi phèn" của ĐBSCL. Với tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chủ trương cho đào mới hệ thống kênh T4, T5, T6 tháo chua rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, khai mở vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu cư dân vùng này đã an cư lạc nghiệp. Người dân vùng Tứ giác Long Xuyên không thể quên công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người có công lớn trong việc đánh thức vùng đất bưng biền.
Đặc biệt, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang trước năm 1975 là vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt, mỗi năm có sáu tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông. Qua chủ trương khai hoang, đào kênh thoát phèn, đắp đê ngăn lũ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với sự vào cuộc của chính quyền và người dân các địa phương đã làm thay đổi rõ nét vùng đất này.
Ngày 27/8/1994, tỉnh Tiền Giang công bố Nghị định 68/CP của Chính phủ về việc thành lập huyện Tân Phước trên phần diện tích Đồng Tháp Mười. Sự ra đời của huyện Tân Phước có sự đóng góp quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến nay, diện mạo huyện Tân Phước đã đổi thay, phát triển không ngừng. Toàn huyện đã phát triển được trên 15.000 ha khóm chuyên canh thay cho đất rừng tràm trước đây, Khu công nghiệp Long Giang ra đời và đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang ghi nhận sự đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, trong đó có công lao to lớn của ông Võ Văn Kiệt - người đặt nền móng ban đầu cho công cuộc tái thiết và khai thác vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Phan Văn Nghiệp, nguyên Giám đốc Sở Thủy Lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Phải nói Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất sâu sát với vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên với chủ trương khai hoang, khai thác triệt để để khôi phục, nâng sản lượng nông nghiệp đảm bảo lương thực của cả đất nước. Hồi đó cả miền Bắc, miền Trung đều thiếu gạo trầm trọng. Nói chung cố Thủ tướng quan tâm toàn vùng; ông đi tới đê biển chỉ đạo phải củng cố đê biển không cho nước mặn tràn vào cánh đồng Gò Công. Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) thì ông vô liên tục, chỉ đạo trực tiếp luôn. Bây giờ hiệu quả rõ rệt, cả Đồng Tháp Mười bây giờ đất quý như vàng, ngày xưa cho không ai nhận. Cố thủ tướng chỉ đạo cả lũ lụt rất sát”.
Thời gian trôi đi, nhưng những dấu ấn, kỷ niệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên những công trình, dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL không thể nào phai nhạt. Vùng đất chín rồng cất cánh, cuộc sống người dân được an cư lạc nghiệp như ngày hôm nay có công lao to lớn của người lãnh đạo tài ba, lỗi lạc và luôn gần gũi nhân dân. Hình ảnh đó luôn sống mãi trong tấm trí của mỗi người dân vùng sông nước Cửu Long./.
Từ khóa: dấu ấn võ văn kiệt ở đồng bằng sông cửu Long, những công trình trọng điểm mang dấu ấn võ văn kiệt
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN