Những “bãi rác di động” trên dòng Kênh Tẻ
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Ngoài rác từ chợ tự phát thải ra vỉa hè và Kênh Tẻ, tình trạng lấn chiếm lòng đường đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông.
Chợ nổi nằm trên dòng Kênh Tẻ được nhiều người ví như một góc miền Tây ở TP HCM. Đây là chợ buôn bán hoa quả, có từ hàng chục năm nay và mang tính tự phát. Điều đáng nói, hoạt động giao thương ở đây đang biến một đoạn của Kênh Tẻ thành bãi rác di động trên sông.
Nhiều đoạn trên Kênh Tẻ nhếch nhác. |
Chợ nổi nằm trên dòng sông Kênh Tẻ, giáp đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM). Ở đây có khoảng 30 tiểu thương buôn bán các mặt hàng như: dừa, mít, chuối...
Những chiếc ghe được các tiểu thương dùng để vận chuyển và lưu trữ trái cây, còn mặt đường là nơi buôn bán.
Các hoạt động giao thương ở đây mang tính tự phát, diễn ra trong thời gian dài đang làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường khi hàng ngày một lượng rác thải khổng lồ do các tiểu thương thải ra, khiến vỉa hè, đường sá rất nhếch nhác.
Những dải rác trên sông. |
Nhiều đoạn sông giống như các “bãi rác di động” với rất nhiều rác thải từ vỏ trái cây, túi ni lông, lon bia…, dòng nước đặc quánh, đen xì.
Ông Nguyễn Văn Vinh (65 tuổi), một người dân sinh sống tại khu vực này chia sẻ: “Đó là bờ kè, dân tứ xứ đến đây buôn bán rồi ở nhưng dơ lắm, đâu có giữ được dòng sông, bờ kè cho sạch đâu. Con người thiếu ý thức, buôn bán xả tùm lum hết, chứ lúc trước không ô nhiễm đâu”.
Được biết, dù lực lượng chức năng có nhiều đợt ra quân truy quét, thậm chí còn đặt biển báo cấm buôn bán nhưng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”.
Chợ tự phát đang biến Kênh Tẻ thành nơi chứa rác. |
Cảnh tiểu thương bày bán tràn lan ra đường, thấy bóng của cơ quan chức năng thì ôm hàng bỏ chạy, rồi sau đó lại bày bán bình thường, vẫn tái diễn. Có tiểu thương bị đưa lên phường xử lý, nhưng nộp phạt xong, đâu lại vào đấy.
Chị Hồ Như Thúy (35 tuổi) một tiểu thương ở đây cho biết: “Ở đây cấm thì cấm, bán thì cứ bán, chừng nào bị đuổi thì chạy. Nói chung ở đây phường cũng có xử lý mấy vụ, bắt người dân lên trả tiền rác, mà có người trả người không, có người tiếc tiền, cũng khổ lắm. Lâu lâu bán lén, dọn ra chừng 1 - 2 tiếng bán rồi dẹp vào chứ để lâu người ta phạt”.
Lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh. |
Ngoài rác từ chợ tự phát thải ra vỉa hè và kênh Tẻ thì một vấn đề đặt ra nữa là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông.
Tuyến đường Trần Xuân Soạn chiều rộng chỉ có khoảng 4m kể cả vỉa hè, nhưng do các tiểu thương lấn chiếm nên bị thu hẹp, vì thế hàng ngày, nơi đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhiều vụ va quẹt giao thông.
Kinh doanh ngay dưới biển cấm. |
Chợ nổi trên kênh Tẻ hình thành từ lâu nhưng việc quản lý đối với nó chỉ là “cấm bán” nhưng biện pháp này không hiệu quả. Bởi vậy, ngành chức năng cần thiết phải có một chế tài phù hợp, tạo nên hoạt động quy củ của chợ, có như vậy vấn đề môi trường ở khu vực này sẽ được đảm bảo hơn, tiểu thương cũng không phải sống thấp thỏm trong cảnh vừa bán vừa chạy hàng khi thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng./.
Từ khóa: bãi rác di động, xử lý rác thải, dòng Kênh Tẻ, lấn chiếm lòng đường, xả rác ra sông
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN