Nhức nhối sách giả lấn át sách thật bày bán công khai

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Không chỉ một số cơ sở kinh doanh và phát thành sách giả, còn rất nhiều trang thương mại điện tử tham gia vào việc này.

Nếu như vài năm trước, việc in và phát hành sách giả còn dè chừng thì hiện nay, hàng triệu tựa sách giả đã và đang được bày bán công khai tại các nhà sách và trang thương mại điện tử. Đăng hình bìa, nội dung tham khảo thật nhưng giao hàng giả cho khách, nhiều cửa tiệm online vô tư thu lợi nhuận trên trời mặc cho các nhà xuất bản, đơn vị làm sách chân chính thua lỗ nặng nề.

Mỗi ngày nhận hàng trăm thư điện tử và điện thoại than phiền về chất lượng giấy in, lỗi chính tả chi chít, thậm chí sai nội dung, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News tập trung hơn 200 nhân viên và cộng tác viên vẫn không kịp phản hồi cho độc giả. Ban đầu, Trí Việt lập luôn bộ phận đổi sách thật thu sách giả từ khách, thế nhưng đến thời điểm nàyhiện tại lượng sách giả quá lớn nên đơn vị này không kham nổi.

sach gia bay ban tran lan khong co quan nao xu ly hinh 1
Độc giả mua sách không thể phân biệt được đâu là sách thật và sách giả.

Cá biệt, nhiều đầu sách nổi tiếng như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Quẳng gánh lo đi, Hành trình về Phương Đông… có đến gần 20 phiên bản sách giả cho mỗi tựa sách thật. Khi phát hiện gần 700 tựa sách nổi tiếng bị làm giả, bày bán công khai trên các trang thương mại điện tử, Trí Việt đã liên hệ với đại diện các trang thương mại thì nhận được câu trả lời là họ chỉ cho thuê sàn giao dịch hưởng mức tiền 13%, chứ không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc điều hành Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News cho rằng, cách giải thích này là trốn tránh trách nhiệm và biết sai vẫn làm.

“Đây là vòi bạch tuộc đã quá mức độ giới hạn, không chỉ dưới mặt đất mà còn trên online. Dưới mặt đất người ta còn bán trốn, bán tránh nhưng trên online thì bán công khai. Và họ trưng bày trên các trang thương mại điện tử bằng bìa sách thật rất đẹp nhưng khi giao hàng thì khách nhận sách giả. Điều đáng nói là độc giả không ai biết mình nhận sách giả, bên bán cứ mặc nhiên thu tiền”, ông Phước than phiền.

Với hệ thống hơn 110 nhà sách trên cả nước và có cả trang thương mại điện tử riêng để phục vụ chuyện phát hành, nhưng nhiều năm nay Công ty sách Fahasa vẫn là nạn nhân chính của các đối tượng kinh doanh sách giả. Hàng loạt đơn sách ngoại văn số lượng lớn mua độc quyền từ nhà xuất bản nước ngoài vừa nhập kho đã bị làm giả. Các tựa sách "hot" ký phát hành độc quyền với những đơn vị uy tín trong nước cũng chung cảnh ngộ.

Bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng Giám đốc Công ty sách Fahasha cho biết, khi đăng bán trên các trang thương mại điện tử với mức chiết khấu khách hàng lẻ từ 50% - 65%, sách giả chắc chắn thu hút độc giả vì người mua nghĩ là giảm giá để kích cầu. Trong khi đó, với những đơn hàng số lượng cực lớn, một đơn vị phát hành chỉ được chiết khấu tối đa 45%. Trừ các khoản chi phí hoạt động thì không thể cạnh tranh với sách giả về giá.

“Hành vi in ấn và phát hành sách giả hiện nay quá tinh vi và hiện đại. Không chỉ một số cơ sở đã được định danh về việc kinh doanh và phát thành sách giả, còn rất nhiều trang thương mại điện tử tham gia vào việc phát hành sách giả. Độc giả không phân biệt được đâu là đơn vị chuyên bán sách giả và không phân biệt được sách giả với sách thật vì quá giống nhau”, bà Hóa cho biết.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc sách giả xuất hiện ngày càng công khai như hiện nay đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Nếu không có giải pháp quyết liệt hơn để chấm dứt thực trạng này, người chịu thiệt không chỉ là các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà cả khách hàng, những người đang chung tay phát triển văn hóa đọc.

“Người làm sách chân chính hiện nay không dám đầu tư vì tốn rất nhiều tiền, đầu sách nào bán chạy thì bị in lậu, làm giả và các giả cũng chung mối lo này. Vấn nạn sách giả còn dẫn đến việc mất lòng tin của người đọc đối với ngành xuất bản và cơ quan quản lý nhà nước vì lâu nay không khắc phục được thực trạng này”, ông Lê Hoàng phân tích.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, luật sư Châu Huy Quang, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, vấn đề mà các đơn vị làm sách trong nước đang gặp phải là sự phối hợp, đồng hành từ các cơ quan chức năng liên quan và quá trình thực thi luật pháp.

Câu hỏi cần tìm lời đáp là tại sao chúng ta có đầy đủ các bộ Luật, với các chế tài rất mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức răn đen những đơn vị in và phát hành sách giả. Không được tiếp sức, nhiều đơn vị làm sách đang chới với trong cuộc chiến không cân sức giữa hàng giả với hàng thật.

“Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản đang có quá nhiều cơ quan chức năng liên quan nhưng không có đầu mối, để khi có vụ việc vi phạm sẽ đứng ra tổ chức điều tra, tịch thu và xử phạt. Chưa kể rằng hiện nay, còn có những vụ tranh chấp khi các doanh nghiệp vì muốn bảo vệ quyền chủ sở hữu tác phẩm nên đưa vụ việc ra tòa lại nhận được những bản án, phán quyết bất nhất từ cơ quan tư pháp”, ông Quang cho hay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi các điều Luật tạo cơ chế bảo vệ đủ tốt, thì việc cần nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa bên bị hại với các đơn vị liên quan để loại trừ sách giả ra khỏi thị trường. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần có cái nhìn khách quan hơn về giá trị hàng hóa để không vì muốn mức chi quá rẻ mà theo sách giả, bỏ sách thật./.

Từ khóa: sách giả, văn hóa phẩm, bày sách thật bán sách giả, lừa dối người tiêu dùng, thị trường xuất bản phẩm,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập