Nhìn lại 2024: Dấu mốc 70 năm và một dân tộc “không thể chậm trễ”
Cập nhật: 2 ngày trước
VOV.VN - Theo Tổng Bí thư, chúng ta đã có hoà bình, độc lập rồi thì phải vươn lên giàu mạnh, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Không chậm trễ được nữa, để lỡ thời cơ cũng là có lỗi với đất nước và nhân dân.
Năm 2024 khép lại cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại những dấu mốc quan trọng, nổi bật của một năm đã qua, nhìn lại để chiêm nghiệm, tự hào, nhìn lại để vững bước trong chặng đường phía trước. Trong rất nhiều sự kiện diễn ra, chúng ta không thể quên chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ, 70 năm giải phóng Thủ đô, 70 năm ký Hiệp định Geneva.
Năm 2024, hàng triệu triệu người dân trên cả nước sẽ không thể nào quên hình ảnh các lực lượng vũ trang điệp điệp trùng trùng, các tầng lớp nhân dân trong các trang phục rực rỡ tại Lễ diễu binh, diễu hành hùng tráng ngay trên chính mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng.
Năm 2024, người dân Thủ đô và bạn bè xa gần được sống lại khoảnh khắc Hà Nội của 70 năm về nước, rưng rưng cảm động đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Một Hà Nội hào hoa và thanh lịch, một Hà Nội quật cường, hiên ngang và bản lĩnh, một Hà Nội được bạn bè biết đến với tên gọi “thành phố vì hòa bình”.
Năm 2024 cũng đánh dấu 70 năm ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam – một minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh vững vàng của nền ngoại giao cách mạng non trẻ. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.
Tất cả những sự kiện này đều có mối liên kết chặt chẽ, đánh dấu thời điểm một nửa đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm, bắt tay vào xây dựng CNXH sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Đây cũng là cơ sở quan trọng để miền Bắc tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm nguồn lực để miền Nam đánh Mỹ, đi qua cuộc trường chinh 21 năm đến ngày thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đang nỗ lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh.
Nhưng, với những thành tựu như vậy, chúng ta đã hài lòng chưa? Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, thành tựu phát triển của đất nước giai đoạn vừa qua là "rất vĩ đại" nhưng nếu nhìn lại thấy "chưa vừa lòng". Nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải vươn mình, tập trung “chạy” thật nhanh để đuổi kịp thế giới.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta đã có hoà bình, độc lập rồi thì phải vươn lên giàu mạnh, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách, đã triển khai và cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ. Không chậm trễ được nữa, để lỡ thời cơ cũng là có lỗi với đất nước và nhân dân”.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã chính thức được xác lập, lấy dấu mốc bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mục tiêu hướng tới là 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045). Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Càng áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn, khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Càng phấn khởi, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước, càng củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước trong hiện tại và tương lai; vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ khóa: chậm trễ, 70 năm, Điện Biên phủ, kỷ nguyên vươn mình, giai phóng thủ đô
Thể loại: Nội chính
Tác giả: quốc phong/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN