"Nhiều trường hợp người chưa thành niên hỗn chiến, phạm tội rất manh động"

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Thực tiễn trong thời gian 10 năm qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng, với tỷ lệ phạm tội tập trung chủ yếu độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của không gian mạng và tập hợp lại rất nhanh, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng mang tính chất hỗn chiến, phạm tội rất manh động.

Sáng 23/10, Quốc hội có phiên thảo luận cuối cùng tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trước khi Luật được đưa ra xin ý kiến thông qua trong Kỳ họp thứ 8 này.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Khoản 4 Điều 4 dự thảo quy định người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng.

Theo giải thích từ ngữ như vậy, tất cả học sinh trường giáo dưỡng đều là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, học sinh trường giáo dưỡng còn bao gồm một số trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm. 

“Nếu quy định như khoản 4 Điều 4 dự thảo thì nhóm này cũng là đối tượng người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy, để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác, tôi đề nghị quy định rõ nội dung này có sự phân biệt giữa học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng và đối tượng chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính”, bà Nga đề nghị.

Đại biểu đoàn Hải Dương cũng nhất trí với quy định về việc tổng hợp hình phạt tù như dự thảo luật thể hiện, theo đó, cho rằng điều này có tính nhân văn với người phạm tội là người chưa thành niên, vừa đảm bảo tính công bằng và tính răn đe khi áp dụng tổng hợp hình phạt.

“Đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, tôi đề nghị bổ sung quy định ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình và địa phương cư trú. Điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực hơn”, bà Nga nói.

Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển tiếp tại Điều 39 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tại Khoản 1, Khoản 2 quy định cụ thể các tội phạm không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đó là tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi, sản xuất trái phép, tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, vận chuyển trái phép và chiếm đoạt chất ma túy. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tạo quan ngại, thực tiễn trong thời gian 10 năm qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng, với tỷ lệ phạm tội tập trung chủ yếu độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của không gian mạng và tập hợp lại rất nhanh, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng mang tính chất hỗn chiến, phạm tội rất manh động. Trong khi đó, dự thảo luật chỉ đưa được một số tội tại Khoản 1, Khoản 2 là thực sự chưa đầy đủ và thuyết phục. 

“Nếu các loại tội này áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới do người dưới 18 tuổi gây ra sẽ tiếp tục lại gia tăng, có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội”, ông Nguyễn Tạo nói.

Từ quan ngại này, đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị bổ sung các trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, như: tội cưỡng dâm, mua bán người, mua buôn bán người dưới 16 tuổi, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; sản xuất trái phép chất ma túy, tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép...

Theo các đại biểu, nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo luật lần này là nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ những người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, tại Điều 40 dự thảo chưa đề cập đến việc người chưa thành niên nhận thức về hành vi phạm tội của mình và có sự ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục những sai lầm của mình. Cùng với đó, các biện pháp xử lý chuyển hướng phải đạt được mục đích của luật này là nhằm giáo dục người chưa thành niên phạm tội trở thành con người có ích cho xã hội… 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp của Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV.

UBTVQH sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Từ khóa: chưa thành niên, tội phạm chưa thành niên, quốc hội, dự luật tư pháp người chưa thành niên, vị thành niên,kỳ họp thứ 8,hỗn chiến

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lê hoàng/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập