Nhiều tỉnh, thành phố cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025

Cập nhật: 18 giờ trước

VOV.VN - Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh,... cam kết phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.

Phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số

Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức trực tuyến sáng nay (21/2), Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%.

"Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn", ông Tùng nêu rõ.

Dự báo, GRDP của thành phố trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt khoảng 10%.

Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nêu một số ý kiến đề xuất: Thành phố Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.

Về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất. Do đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thành phố Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng.

Phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết: Trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.

Để đạt mức tăng trưởng trên 14%, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn chia sẻ một số giài pháp mà tỉnh đã tiến hành, như: Ngay từ đầu năm tỉnh đã phân giao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ, đầu tư nhanh nhất, sớm nhất với mục tiêu là giải ngân 100% vốn, triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực chi đầu tư phát triển trong năm với một số các dự án mới.

Với đầu tư ngoài ngân sách, Quảng Ninh coi đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính quyết định trong năm nay. Những khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư triển khai dự án với những mấu chốt phải tháo gỡ và cần nhận diện, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên; thống kê các dự án còn vướng mắc và giao trách nhiệm tháo gỡ phân công theo dõi, đánh giá thường xuyên.

Đối với các dự án lớn, Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban Nhân dân giao ban, nghe báo cáo và xử lý hằng tuần.

Quảng Ninh cũng đảm bảo tính ổn định của các ngành truyền thống như ngành than, điện phải bảo đảm chỉ tiêu đặt ra; thu hút du lịch bảo đảm doanh thu phải đạt hơn 55.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; nghiên cứu hoàn thiện không gian phát triển tổng thể khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục; tập trung đô thị hóa khu vực Thành Hồi để nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện

Để đạt tăng trưởng 8% trở lên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP. Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34% kế hoạch dự toán năm 2025.

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc phải khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.

Hà Nội cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13 %.

Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50 %, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra, ông Trần Sỹ Thanh cho hay, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô. Đặc biệt các một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể tới đây và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cho cấp huyện, thị. Thực tiễn chứng minh việc phân cấp, phân quyền này đang đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Ổn định bộ máy để bắt tay vào làm việc

Cũng cam kết phấn đấu tăng trưởng 2 con số, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết: Thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025. "Đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, hết sức khó khăn nhưng không thể không làm", ông Được nói.

 

Trước mắt, TP HCM đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước và gắn với triển khai đề án xây dựng nền công vụ của Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức ở thành phố. Đây là việc đầu tiên ổn định bộ máy để bắt tay vào làm việc.

Thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Thành phố sẽ tập trung để phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến các Bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để Thành phố phát triển trong thời gian tới. 

"Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Về các giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Được nêu rõ: Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện Nghị quyết số 98; rà soát, đề xuất với Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TPHCM. Cùng với đó là triển khai ngay quy hoạch của thành phố sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai dự án Trung tâm tài chính quốc tế mà Thủ tướng đã chỉ đạo để làm sao tạo ra kênh thu hút vốn cho quốc gia cũng như cho TPHCM, đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án trong thời gian tới. Tập trung cho dự án cảng trung chuyển quốc tế.

Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng 2025, mục tiêu tăng trưởng, tăng trưởng của Hải Phòng, tăng trưởng của Hà Nội, tăng trưởng của TP.HCM, tăng trưởng của Quảng Ninh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập