Nhiều sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đạt trình độ tiên tiến

Cập nhật: 16/10/2021

VOV.VN - Trong hơn 40 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu trong Chương trình KHCN phục vụ Chính phủ điện tử, có 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế.

Với 26 nhiệm vụ được triển khai thực hiện, Chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) cấp quốc gia đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20 đã làm chủ nhiều công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” được tổ chức sáng 16/10, tại Hà Nội.

Sau 4 năm triển khai, Chương trình KHCN cấp quốc gia đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20 đã triển khai 26 nhiệm vụ, nghiên cứu và làm chủ hơn 280 thiết bị, hơn 40 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu, trong đó có 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế. Hơn 30 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, và 70 bài báo trong nước và tại các hội thảo quốc tế… Cũng thông qua Chương trình đã đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ…  

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Chủ nhiệm Chương trình KC.01/16-20 cho biết, các nhiệm vụ đã đáp ứng 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm của Chương trình.

"Chương trình KC 01 là chương trình giúp cho các bộ ngành đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình triển khai Chính phủ điện tử. Và COVID-19 như là một chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình này. Tôi có thể lấy ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến dịch vụ công về đất đai - đây là một nhiệm vụ của KC 01. Hiện nay người dân có thể xác thực sổ đỏ, xác thực thông tin trên cổng thông tin. Hay như ở Quảng Nam, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Rồi một số nghiên cứu mang tính nền tảng để trên cơ sở đó đẩy mạnh Chính phủ điện tử ở các bộ ngành…", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình về cơ bản đã phủ đều 3 mục tiêu đặt ra, bao gồm: Các sản phẩm phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp, nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử; Các sản phẩm cho phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT của Chính phủ điện tử; và Một số dự thảo để từ đó hình thành nên Tiêu chuẩn quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh.

"Xếp hạng về an ninh an toàn mạng chúng ta đạt được kết quả rất tốt 25/198, qua từng năm đều thăng hạng, có sự đóng góp của chương trình KC 01 cùng với sự nỗ lực của các nhà khoa học. Chúng tôi hy vọng với chương trình thời gian tới sẽ đáp ứng tốt phục vụ Chính phủ điện tử, làm sao vừa thực hiện giúp chúng ta trở lại bình thường mới, nhưng cũng phải bảo mật thông tin cá nhân", Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra, đến thời điểm tổng kết, Chương trình KC.01/16-20 đã thiếu vắng loại hình nhiệm vụ là dự án sản xuất thử nghiệm, sự tham gia của doanh nghiệp còn có phần hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là chưa có sự tham gia đông đảo trong việc thực hiện nhiệm vụ từ các bộ, ngành có nhiều dịch vụ công như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Vận tải, Y tế…

Thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số và Đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Để triển khai chương trình hiệu quả, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh, rất cần sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia-nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ/dự án, để từ đó phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam./.

Từ khóa: chính phủ điện tử, Chương trình KC.01/16-20, công nghệ thông tin

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập