Nhiều nông dân nuôi bò ở Bến Tre phải “treo chuồng”
Cập nhật: 23/08/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Bến Tre là một trong các địa phương ở vùng ĐBSCL có mô hình nuôi bò thương phẩm phát triển mạnh và đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, do giá cả sụt giảm, hiệu quả kinh tế không cao nên nông dân không còn tha thiết với mô hình chăn nuôi này, thậm chí “treo chuồng”.
Gia đình ông Phan Văn Xuân ở ấp 2, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri cũng như bao nông dân ở địa phương này không còn hứng thú với mô hình nuôi bò thương phẩm. Bởi 2 năm qua, giá bò thịt, bò giống đều giảm giá mạnh, người nuôi thu nhập thấp.
“Nuôi bò 1,5 năm đẻ ra con bò cái bán được 15 triệu đồng, lời 5 triệu mà chưa tính công, dịch bệnh. Còn bò đực nuôi một con chỉ lời 3 triệu đồng mà nuôi từ 13 - 15 tháng. Cỏ thì đất nhà trồng, nếu không thì phải mướn đất trồng. Hồi đó, mình nuôi 4 con bò cái, bây giờ còn chỉ nuôi 1 con, nuôi không nổi nữa, không có lời nên không nuôi", ông Xuân bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Tân, người dân xã Phú Lễ cho biết, đã giải nghệ, không nuôi bò nữa do không có kinh tế: “Bò giá rất thấp, bà con ở đây nuôi lỗ, giá bò rất bấp bênh. Hiện giờ bà con phá chuồng rất nhiều vì hiện nuôi bò thịt trung bình bà con bị lỗ hơn 5 triệu đồng. Mọi năm bò thịt giá 40 triệu đồng/con nay còn 30 triệu đồng/con. Tấm cám, thức ăn thì không sụt, ở đây 10 nhà nay chỉ còn 3-4 nhà nuôi".
Nuôi bò thịt, bò sinh sản là kinh tế chính của người dân xã Phú Lễ với tổng đàn bò hơn 5.800 con, lớn nhất huyện Ba Tri. Song gần đây, nhiều hộ bỏ trống chuồng, chuyển sang nghề khác để mưu sinh, không còn tha thiết với nuôi bò.
“Hai năm gần đây, đàn bò xã Phú Lễ bị giảm sút, do giá thức ăn quá cao mà đầu ra rất thấp nên người dân không còn nuôi đại trà như ngày xưa mà chọn giống tốt có chất lượng mới nuôi. Hiện nay, địa phương cũng có tuyên truyền với người dân không nên bán đổ bán tháo mà phải kìm chân lại bằng cách tạo nguồn thức ăn tại chỗ, và nguồn lực của gia đình "lấy ngắn, nuôi dài" để ổn định đàn bò", ông Hạ Văn Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lễ nói.
Theo thống kê của UBND huyện Ba Tri, tổng đàn bò của địa phương hiện nay gần 97.000 con tập trung nhiều ở các xã An Đức, Phú Lễ, An Bình Tây, An Hiệp, Tân Xuân... chiếm gần 2/3 đàn bò của toàn tỉnh. Ở thời điểm này, giá bò thịt khoảng 17 triệu đồng/tạ; bò cái giống từ 14-16.500 đồng/con. Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Bò Ba Tri”. Ngoài việc cạnh tranh về giá cả của bò ngoại nhập, đàn bò địa phương gần đây cũng thường bị nhiễm bệnh nhất là bệnh viêm da nổi cục, người nuôi phải phát sinh thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Chính quyền, ngành chức năng địa phương đã có quan tâm, hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò theo hướng chất lượng nhưng đầu ra thì chưa thể can thiệp được.
“Giá bò do thị trường quyết định chứ mình không quyết định được nên phải chịu. Huyện cũng làm hết cách, xây dựng thương hiệu Bò Ba Tri cũng đã làm rồi, mình cũng đã giới thiệu các sản phẩm về bò Ba Tri. Mỗi lần họp tỉnh có kiến nghị... Mình có kêu gọi đầu tư chợ đầu mối nông sản, có quỹ đất nhưng có 2 - 3 nhà đầu tư đến tìn hiểu rồi, ra về nhưng chưa làm thủ tục đầu tư, rất khó", ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết.
Ba Tri là địa phương ven biển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đời sống người dân còn lắm khó khăn. Việc khôi phục kinh tế nhất là duy trì và phát triển đàn bò thương phẩm của người dân nơi đây để tạo sinh kế cho người dân là vấn đề cần thiết mà chính quyền và ngành chức năng địa phương cần có giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn.
Từ khóa: nuôi bò, nuôi bò, nông dân, nông dân Bến Tre
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: chu trinh/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN