Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán gây ra
Cập nhật: 28/01/2024
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Thời gian qua, nhiều người mắc các bệnh nguy hiểm do giun sán gây ra phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng nói là những bệnh nhân này nhiều năm liền không uống thuốc tẩy giun, nhiều trường hợp có thói quen ăn đồ sống và nuôi chó, mèo, tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm giun sán từ động vật truyền sang người.
Thấy sức khỏe có phần giảm sút, nữ doanh nhân ở Hải Phòng đi khám tại một bệnh viện ngoại khoa ở Hà Nội và được chẩn đoán u gan, nghi ung thư gan. Trong lúc bất ngờ và hoang mang tột độ, nữ bệnh nhân được người quen giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương kiểm tra thêm. Kết quả là bệnh nhân này bị mắc sán lá gan lớn hay gặp.
“Tôi cứ nghĩ mình cẩn thận trong ăn uống và cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh nên chủ quan không tẩy giun hàng năm. Cũng phải rất nhiều năm trước khi phát hiện bị bệnh sán lá gan, tôi chưa tẩy giun…”, nữ bệnh nhân nói.
Những trường hợp như nữ bệnh nhân này không phải là hiếm gặp. Không ít trường hợp nhiều năm không tẩy giun còn bị các triệu chứng hạ kali, thiếu máu, thiếu chất, áp xe gan, giảm sút sức khỏe, đi khám tại nhiều nơi không phát hiện ra bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng, như bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh giun truyền qua đất, bệnh sán truyền qua đường ăn uống. Đặc biệt là tình trạng nhiễm giun sán từ đất, từ động vật truyền sang người có chiều hướng gia tăng.
“Bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc, giun truyền qua đất ví dụ như tại Hà Giang năm vừa rồi chúng tôi điều tra, kết quả tỷ lệ nhiễm là 78% trẻ tiểu học ở Hà Giang nhiễm giun đũa, giun móc, giun kim, giun truyền qua đất. Mặc dù một năm 2 lần chúng tôi cấp miễn phí thuốc giun từ trung ương tới địa phương để tẩy giun cho những trường hợp này, nhưng tỷ lệ nhiễm vẫn cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng nói.
Để phòng các bệnh lý do giun sán, các bác sĩ khuyến cáo: Thực hiện ăn chín, uống sôi; Rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...; Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau; Sử dụng nước sạch và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Từ khóa: giun sán, giun sán, bệnh do giun sán gây ra, mắc bệnh nguy hiểm,các bệnh do giún sán gây ra,nhiễm giun sán
Thể loại: Y tế
Tác giả: văn hải/vov1
Nguồn tin: VOVVN