Nhiều giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay

Cập nhật: 09/11/2024

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 diễn ra tại Hà Nội chiều nay (9/11), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã trao đổi về các giải pháp thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm nay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 9/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu báo cáo Chính phủ. Giải ngân của 10 tháng đến nay đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).

"Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chúng ta còn 3 tháng, trong đó có 2 tháng để thực hiện, 1 tháng để giải ngân những khối lượng đã thực hiện trong năm để có thời gian chỉnh lý, quyết toán. Như vậy chúng ta có 3 tháng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2024", ông Phương nói.

Những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023 sang. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông. "Chúng ta đã biết, vấn đề này liên quan không phải Luật Đầu tư công mà để giải quyết, liên quan đến rất nhiều luật khác, đặc biệt là luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Giải pháp trọng tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để đạt được mục tiêu 95% từ nay đến hết kế hoạch năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng, Chính phủ ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Một số giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm gồm:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đi đôn đốc giải ngân. Cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, có phân công các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương.

Nhóm giải pháp thứ hai là tổ chức triển khai thực hiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như thủ tục kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán thì đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để chúng ta có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Nhóm giải pháp thứ ba là về tháo gỡ khó khăn. Ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án. Đến nay gần cuối năm rồi, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện nếu không sẽ bị chậm trễ tiến độ. Thứ hai là thủ tục điều chỉnh về kế hoạch. Hiện nay luật đã cho phân cấp rất nhiều, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay kế hoạch vốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp. Chỗ nào, dự án nào chậm giải ngân thì có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Còn về giải pháp đột phá, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chính là thể chế. Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này, kèm theo đó là các luật khác như luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Các đột phá về thể chế này ngay trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải có hiệu lực của luật. Hy vọng sang năm sẽ có hiệu lực hơn, trong đó sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. "Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là các dự án BT chuyển tiếp, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ", ông Phương nêu rõ.

Trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc này.

Từ khóa: đầu tư, đầu tư công, giải ngân đầu tư công, vốn đầu tư công, đầu tư công 2024, Họp báo chính phủ, bộ khđt

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần ngọc-lê hoàng/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập