Nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ thương mại điện tử là miễn phí
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Doanh nghiệp dù biết tầm quan trọng, nhưng vẫn nghĩ thương mại điện tử là miễn phí nên không cần phải đầu tư là không chính xác.
Tại Hội thảo xuất khẩu trực tuyến 2019 diễn ra sáng 19/6 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các đại biểu khẳng định, xuất khẩu được đánh giá là thế mạnh, là động lực của phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Với chính sách mở cửa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tham gia một loạt các Hiệp định thương mại đa phương và song phương, đẩy mạnh việc tiếp cận các kênh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong xuất khẩu.
Cụ thể như năm 2009, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 57 tỷ USD thì đến năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam đã cán mốc 244 tỷ USD (tăng trưởng gấp 4 lần). Đóng góp này không thể không nhắc đến vai trò của thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo xuất khẩu trực tuyến 2019. |
Theo ông Trần Đình Toản, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và công nghệ OSB, hiện có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử đã và đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay để đạt được hiệu quả trong các hoạt động thương mại điện tử thì cần phải có chiến lược đầu tư bài bản.
“Nhiều doanh nghiệp đã coi thương mại điện tử như một công cụ tất yếu trong việc kinh doanh, nên sẵn sàng đầu tư cho thương mại điện tử. Có hai vấn đề rất quan trọng, đó là thay đổi nhận thức về tầm quan trọng và thứ hai là việc sẵn sàng đầu tư. Nhiều doanh nghiệp dù đã thấy tầm quan trọng, nhưng cứ nghĩ thương mại điện tử là miễn phí, không cần phải đầu tư là hoàn toàn không chính xác”, ông Toản cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện xuất khẩu trực tuyến đã trở thành công cụ đắc lực, thậm chí là kênh xuất khẩu chủ đạo của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ xuất khẩu trực tuyến cũng đã có đóng góp quan trọng vào việc thay đổi nhận thức và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
“Hoạt động thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu có cơ hội rất lớn, nhưng để chớp được cơ hội này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính các doanhnghiệp. Trong giai đoạn 5 năm tới, hoạt động thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu chắc chắn sẽ không phải tăng gấp đôi, mà sẽ được kỳ vọng sẽ gấp 4 lần năm 2019, số doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công sẽ tăng gấp 4 lần”, ông Hưng khẳng định.
Cũng tại hội thảo, bà Judie Ke, Chuyên gia về thương mại quốc tế cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động thương mại quốc tế, nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong đó, Việt Nam được nhắc đến là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể thâm nhập sâu rộng hơn tới các thị trường trọng điểm, đáng kể nhất là thị trường Mỹ. Vì thế, các doanh nghiệp đều cho rằng, khi tận dụng được các cơ hội, xuất khẩu trực tuyến sẽ là công cụ đắc lực giúp tăng kim ngạch trong thời gian tới./.
Từ khóa: thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, xuất khẩu qua kênh trực tuyến, hợp đồng trực tuyến,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN